Thúc đẩy chuyển đổi số dựa trên phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Để chuyển từ quốc gia có thu nhập trung bình lên thu nhập cao, Việt Nam cần vượt qua tình trạng chỉ là thị trường lao động giá rẻ và giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để tăng trưởng xuất khẩu. Để đạt được điều này, Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ, cải thiện năng suất lao động trong tất cả các ngành công nghiệp.
Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech) là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng nhận đối với các Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về Thiết bị trạm gốc thông tin di động 5G. Ảnh: ĐĂNG ANH
Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech) là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng nhận đối với các Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về Thiết bị trạm gốc thông tin di động 5G. Ảnh: ĐĂNG ANH

Vai trò của chuyển đổi số trong nền kinh tế Việt Nam

Có thể nói, chuyển đổi số là một trong những yếu tố quyết định trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, đóng góp mạnh mẽ vào việc nâng cao năng suất lao động và tối ưu hóa quy trình sản xuất trong nhiều lĩnh vực thiết yếu như nông nghiệp, sản xuất chế tạo và dịch vụ. Nhờ những ứng dụng của công nghệ số, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí vận hành, tối ưu hóa quy trình kinh doanh và nâng cao hiệu quả, từ đó tạo đà tăng trưởng GDP bền vững. Quá trình chuyển đổi số cũng giúp tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, nhất là trong các ngành công nghệ thông tin, viễn thông và thương mại điện tử; mở ra không gian phát triển cho nền kinh tế việc làm tự do, mang lại nhiều giá trị mới cho thị trường lao động.

Chuyển đổi số là thực hiện đổi mới sáng tạo cùng với công nghệ số, đồng thời cũng là nền tảng thúc đẩy đổi mới sáng tạo nói chung, thông qua việc tạo môi trường thuận lợi cho triển khai công nghệ mới và phát triển các mô hình đổi mới sáng tạo. Trong đó, khoa học và công nghệ đóng vai trò trụ cột, thông qua việc phát triển các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data),… từ đó, giúp nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đối với các ngành công nghiệp mũi nhọn, chuyển đổi số không chỉ giúp tăng cường năng suất, chất lượng sản phẩm, mà còn là nền tảng để xây dựng một nền kinh tế hiện đại, dựa trên công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến trong quản lý và sản xuất sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao vị thế cạnh tranh, đồng thời, làm nền móng cho chiến lược phát triển lâu dài, bền vững của quốc gia.

Ngoài ra, chuyển đổi số mang lại những tiến bộ đáng kể trong việc nâng cao năng lực quản lý nhà nước, hỗ trợ các hoạt động phát triển quốc gia một cách toàn diện, từ việc áp dụng công nghệ số vào hành chính công, quản lý đô thị cho đến bảo đảm an ninh quốc gia, giúp tăng cường hiệu quả quản lý, nâng cao tính minh bạch.

Thực trạng chuyển đổi số trong một số ngành

Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra rộng khắp trong nhiều ngành nghề và lĩnh vực, tuy nhiên chưa có sự đồng đều. Ngành công nghệ thông tin và truyền thông là một trong những ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Thương mại điện tử cũng là một trong những ngành tăng trưởng nhanh nhất trong nền kinh tế số của Việt Nam. Đối với ngành y tế, Việt Nam đã và đang phát triển hệ thống y tế thông minh, với kế hoạch triển khai các công nghệ số trong ba lĩnh vực chính: phòng bệnh, khám chữa bệnh và quản lý y tế.

Chính phủ điện tử tiếp tục được ưu tiên phát triển cùng với các hệ thống dữ liệu dùng chung, các nền tảng cơ bản và cơ sở hạ tầng phục vụ hệ thống IoT và thành phố thông minh, dữ liệu mở. Nền kinh tế chia sẻ ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ nhờ vào nền tảng điện toán đám mây và tỷ lệ sở hữu tài sản thấp. Trong ngành công nghệ tài chính, Việt Nam nổi bật với số lượng vườn ươm, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, công ty công nghệ tài chính tăng nhanh và sự chú trọng vào các mảng mới như công nghệ bảo hiểm và quản lý tài sản.

Một số lĩnh vực khác như nông nghiệp và sản xuất chế tạo lại có quá trình chuyển đổi số khá chậm. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, nguồn thông tin công nghệ, thiếu nhân lực có trình độ, dẫn đến chưa có động lực, chưa sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đầu tư vào đổi mới công nghệ sản xuất, đầu tư vào ứng dụng công nghệ số và cơ sở hạ tầng số hiện đại để hỗ trợ quá trình chuyển đổi. Sự thiếu hụt kỹ năng số, nhất là trong các lĩnh vực cần áp dụng công nghệ tiên tiến như AI và IoT chính là một trong những trở ngại lớn nhất. Thêm vào đó, vấn đề an ninh mạng và bảo mật thông tin khiến lòng tin của người tiêu dùng vào các dịch vụ số còn thấp, ảnh hưởng đến tỷ lệ ứng dụng công nghệ.

Những khó khăn trong triển khai chuyển đổi số

Đối với Việt Nam, hoạt động chuyển đổi số đứng trước nhiều thách thức cần được giải quyết như sau:

Thứ nhất, trở ngại về công nghệ: Chuyển đổi số là quá trình áp dụng công nghệ vào các hoạt động trong hầu hết mọi lĩnh vực, do đó, đòi hỏi trình độ cao về cả kỹ thuật và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn tụt hậu so với thế giới về mặt công nghệ, chưa có các tổ chức nghiên cứu và phát triển đủ mạnh để làm chủ các công nghệ lõi và các hệ thống nền tảng cơ bản của chuyển đổi số. Do đó, phần lớn quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam hiện nay vẫn dựa vào việc sử dụng các công nghệ có sẵn từ nước ngoài.

Thứ hai, trở ngại về nguồn nhân lực: Nguồn nhân lực được chia thành ba cấp độ gồm người tiêu dùng đại trà tiếp nhận các ứng dụng số, nhóm nhân lực công nghệ thông tin tham gia vào sản xuất số và nhóm tinh hoa dẫn dắt quá trình chuyển đổi số. Người Việt Nam có tính linh hoạt, dễ dàng thích nghi với công nghệ số, phù hợp với vai trò “nhân lực thực thi” trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu đội ngũ tinh hoa cùng với môi trường làm việc thuận lợi cho nghiên cứu, phát triển, tự do sáng tạo để định hướng và dẫn dắt quá trình chuyển đổi số.

Thứ ba, về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số: Dữ liệu và tốc độ truyền tải chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ. Mạng lưới viễn thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hiện đại còn thiếu, nhất là ở các khu vực nông thôn, dẫn đến khó khăn trong việc thúc đẩy chuyển đổi số rộng khắp​.

Thứ tư, trở ngại về hành lang pháp lý: Các quy định pháp lý thường không bắt kịp tốc độ phát triển và ứng dụng của công nghệ, tốc độ số hóa nhanh chóng của nền kinh tế; đồng thời, thiếu các chính sách cụ thể thúc đẩy đổi mới công nghệ trong khối doanh nghiệp, hạt nhân chính của quá trình đổi mới sáng tạo.

Thứ năm, trở ngại về nguồn vốn: Quá trình chuyển đổi số cần phải tiếp cận các công nghệ mới, cần đầu tư từ kết cấu hạ tầng tới giải pháp công nghệ đến nhân lực, vì vậy, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Việc phải đầu tư lớn về tài chính khi chưa hoàn toàn chắc chắn về hiệu quả, cũng như đối mặt nguy cơ thất bại, đã tạo rào cản lớn với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs).

Thứ sáu, trở ngại về an ninh mạng: Lòng tin của người tiêu dùng đối với các dịch vụ số còn thấp do các vấn đề về an ninh mạng và bảo mật thông tin, điều này ảnh hưởng đến tỷ lệ ứng dụng công nghệ​.

Giải pháp cho quá trình chuyển đổi số

Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng số, Việt Nam cần tập trung vào các yếu tố then chốt như phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, nhất là hiện đại hóa các viện nghiên cứu, trường đại học, nâng cao khả năng làm chủ về công nghệ lõi, công nghệ nguồn và đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển một số công nghệ Việt Nam có lợi thế.

Việt Nam cần có chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Các chương trình đào tạo về khoa học dữ liệu, công nghệ thông tin và quản lý công nghệ sẽ cung cấp nguồn lực quan trọng cho các doanh nghiệp và tổ chức trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hành lang pháp lý cần nhanh chóng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số. Một trong những chính sách quan trọng là đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của quá trình ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu giúp đẩy mạnh quá trình chuyển giao công nghệ.

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cần được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, nhất là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận các nguồn lực về vốn, hạ tầng và công nghệ. Quá trình số hóa thông tin và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cũng cần được đẩy mạnh, nhằm tối ưu hóa quản lý trong mọi lĩnh vực.

Cần quan tâm đầu tư đối với hệ thống bảo mật và an ninh mạng, thiết lập quy trình bảo mật dữ liệu và thực hiện giám sát thường xuyên nhằm đối phó các mối đe dọa tấn công mạng. Ngoài ra, trong quá trình phát triển và sử dụng các công nghệ mới, cần chú trọng vấn đề đạo đức nhằm bảo đảm công nghệ được sử dụng an toàn, minh bạch và không xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân, tổ chức.

Cuối cùng, năng lực quản lý nhà nước cần được nâng cao thông qua việc ứng dụng công nghệ vào quy trình quản lý, giảm thủ tục hành chính và tăng cường quản lý dựa trên số hóa để tăng tính minh bạch, hiệu quả hoạt động, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện.