Thoát nghèo, làm giàu nhờ vốn tín dụng ưu đãi

Những năm qua, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, hàng nghìn hộ nông dân tại tỉnh Lạng Sơn đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi để xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn đó đã góp phần quan trọng trong việc giúp các hội viên nông dân phát triển kinh tế và là động lực để bà con vươn lên làm giàu.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều hộ nông dân ở thôn Thác Mạ, xã Hữu Kiên, Chi Lăng (Lạng Sơn), vay vốn ưu đãi chăn nuôi ngựa bạch thương phẩm.
Nhiều hộ nông dân ở thôn Thác Mạ, xã Hữu Kiên, Chi Lăng (Lạng Sơn), vay vốn ưu đãi chăn nuôi ngựa bạch thương phẩm.

Quyết tâm thoát nghèo

Trước đây, gia đình bà Vi Thị Nguyện, thôn Phiêng Ét, xã Đông Quan, huyện Lộc Bình là hộ nghèo, thiếu vốn để phát triển sản xuất. Năm 2019, được sự hướng dẫn của tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn cũng như cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình bà đã làm hồ sơ vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư trồng, chăm sóc cây thông.

Bà Nguyện vui mừng nói: Nhờ có vốn, gia đình tôi mua phân bón, phát dọn một số diện tích rừng thông sắp đến tuổi khai thác, đồng thời trồng mới một phần cây thông. Trong quá trình sử dụng vốn, tôi còn tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật do xã phối hợp tổ chức. Nhờ đó, rừng thông của gia đình phát triển tốt. Từ năm 2022 đến nay, một số diện tích thông cho khai thác, đem lại thu nhập cho gia đình 90 triệu đồng/năm. Hiện gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo, cuộc sống từng bước thay đổi.

Ông Âu Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Đông Quan (Lộc Bình) cho biết: Hiện tại xã Đông Quan có gần 200 hộ nghèo đang vay vốn từ chương trình cho vay ưu đãi hộ nghèo của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ hơn 13,4 tỷ đồng và là xã có dư nợ chương trình lớn nhất toàn huyện. Từ nguồn vốn đó, hộ nghèo trên địa bàn xã đã phát huy hiệu quả, giúp các hộ dân đầu tư trồng rừng thông, keo, bạch đàn... qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo của xã.

Đưa vốn đến tận hộ gia đình

Hiện Lạng Sơn có hơn 17.800 lượt hội viên nông dân đang vay vốn ưu đãi với số tiền hơn 1.183 tỷ đồng. Trong đó, một số chương trình tín dụng có dư nợ lớn như: Chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn.

Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Lạng Sơn Phan Anh Thắng cho biết: Những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng luôn xác định nguồn vốn tín dụng ưu đãi là trợ lực quan trọng hỗ trợ nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Để nguồn vốn đến tay hội viên nông dân kịp thời, đơn vị đã tích cực phối hợp Hội Nông dân tỉnh tuyên truyền sâu rộng các chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ, đặc biệt là các chương trình, chính sách mới để người dân nắm được.

Cùng với đó, chi nhánh chỉ đạo sát sao Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện phối hợp Hội Nông dân chỉ đạo các hội cơ sở làm tốt công tác bình xét cho vay; tại các điểm giao dịch xã, hằng tháng cán bộ ngân hàng đều trực tiếp thực hiện giao dịch như cho vay, thu lãi, thu nợ, phổ biến các chính sách mới, hướng dẫn các hộ vay đầu tư nguồn vốn sao cho hiệu quả, phù hợp hoàn cảnh gia đình. Nhờ thực hiện công khai, bảo đảm tính dân chủ nên nguồn vốn của ngân hàng nhanh chóng đến tay hội viên nông dân, giúp họ có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội luôn quan tâm nâng cao chất lượng tín dụng, tích cực rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn. Nhờ đó, tỷ lệ nợ quá hạn của Hội Nông dân tỉnh thấp, chỉ chiếm tỷ lệ 0,04%/tổng dư nợ cho vay.

Cùng đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh còn chủ động phối hợp hội nông dân các cấp tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội phụ trách hoạt động ủy thác và ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn về kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý tín dụng, kiểm tra giám sát nhằm phát hiện và phòng ngừa rủi ro; hướng dẫn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.

Có thể thấy, những năm qua, nguồn vốn chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đã thật sự trở thành động lực quan trọng, đồng hành với nông dân trên địa bàn tỉnh trong hành trình giảm nghèo và từng bước vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.