Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương, ông Vạng nhận thấy không thể thoát nghèo bằng cách tra ngô, tỉa lúa trên nương được... Cơ hội mở ra khi đường ô-tô vào đến xã, ông Vạng đã mạnh dạn chuyển đổi tư duy, ông vay tiền mua ô-tô tải để thu mua ngô của bà con chở ra quốc lộ đổ hàng. Ngày đó, giá ngô trên nương so với giá ngô ngoài thị trấn huyện chênh lệch nhau khá lớn. Từ khi ông có ô-tô chở ngô đi bán, bà con người H’Mông ở bản Đin Chí bán ngô được giá hơn, tăng thêm thu nhập.
Suốt cả chục năm buôn ngô, ông Vạng dần tích lũy vốn. Ông mua thêm xe, thuê người lái chở ngô đi bán. Với tài sản 2 chiếc xe tải, ông trở thành "người giàu" trong bản! Năm 2017, ông mua chiếc máy xúc giá gần một tỷ đồng để mở đường vào bản và san nền thuê cho bà con người H’Mông. Buôn ngô, làm máy xúc, ông Vạng đều gặt hái được thành quả. Liên tiếp các năm sau đó, ông đã sắm thêm 2 chiếc máy xúc nữa. Máy xúc đi đến đâu là mang theo sự đổi thay đến đó. Mỗi năm, ông Vạng thu nửa tỷ đồng từ 3 chiếc máy xúc. Vốn là người nhanh nhạy, ông đã quyết định chuyển toàn bộ 5 ha trồng ngô của gia đình sang trồng mận. Trên những quả đồi dốc ngược, khô cằn, ông cần mẫn đào từng hố để đưa cây mận lên trồng.
Nhà của ông Vạng ở ngay gần đường chính, cách biên giới Việt-Lào không xa. Giữa bốn bề núi rừng, ngôi nhà của ông bề thế, khang trang. Hôm đến nhà, ông Vạng đang ở ngoài vườn với những hàng mận đã nở hoa trắng muốt. Hương hoa mận đọng đầy sương đêm quyện với hương rừng thoang thoảng trong gió đưa về cho khách một cảm giác yên bình.
Đón chúng tôi ngay tại vườn mận, ông Vạng phấn khởi nói: "Mận trái vụ đang ra hoa đều như thế này là hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Mận trái vụ bán được giá cao gấp 6-7 lần so với mận chính vụ. Ban đầu làm còn bỡ ngỡ, giờ vườn mận đã ra hoa theo đúng ý, tôi mừng lắm, sẽ mở ra hướng mới trong thâm canh mận nơi đây. Vụ mận trước, gia đình đã thu hơn 130 triệu đồng từ vườn mận bói quả. Vụ mận này, dự tính sản lượng và thu nhập sẽ tăng gấp 3 lần. Hiện tôi đã trồng được gần 2.000 gốc mận, trong đó có 600 gốc mận đã cho thu hoạch".
Theo ông Vạng, điều kiện quyết định xử lý mận ra trái vụ là phải có nước. Để có nước tới ở vùng này là cả một vấn đề, nhưng ông Vạng đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước tự động hiện đại, chiều dài hơn nửa cây số. Nhờ vậy, cây mận được kích nước sớm hơn 3 tháng so với mận chính vụ. Đầu tháng 9, ông Vạng đã phun chế phẩm sinh học bổ sung dưỡng chất cho cây. Ngoài ra, phải tỉa những cành vượt để dưỡng chất tụ lại ở những cành bánh tẻ. Nhờ cách xử lý khoa học này mà đến đầu tháng 2 năm sau, mận trái vụ đã chín, với giá bán rất cao 80.000 đồng/kg. Đáng chú ý, mận trái vụ dễ bán, mặc dù năng suất chỉ kém mận chính vụ đôi chút.
Bà Hoàng Thị Chuyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng On, huyện Yên Châu, thông tin: Ông Vàng A Vạng là một trong những nông dân tiêu biểu, dám nghĩ dám làm. Không chỉ tạo dựng cho gia đình một mô hình hiệu quả về kinh tế, làm giàu chính đáng trên chính quê hương mình, ông còn là tấm gương để các hộ đồng bào H’Mông, Xinh Mun trong bản làm theo, phát triển kinh tế...