Nhận thấy tiềm năng phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm ở địa phương, lãnh đạo Hợp tác xã Nông nghiệp 118, xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc đã kết nối, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm tại thị trường trong nước. Đồng thời, hợp tác xã liên kết phát triển sản xuất, bao tiêu sản phẩm kén tằm cho hàng nghìn gia đình nông dân trên địa bàn. Đến nay, nghề trồng dâu, nuôi tằm đang dần trở thành nghề giúp giảm nghèo nhanh, bền vững và cải thiện, nâng cao thu nhập của người nông dân.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp 118, Nông Văn Hoàn cho biết, đơn vị đã liên kết với gần 1.000 gia đình ở các xã phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, nhất là ở ba xã Cô Ba, Hồng Trị, Bảo Toàn. Theo đó, các gia đình trồng dâu, nuôi tằm, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm kén tằm. Hiện, mỗi ngày, hợp tác xã thu mua khoảng tám tấn kén tằm, mang lại thu nhập khá cao cho người nông dân. Phấn khởi nhận tiền bán kén tằm, anh Thào A Dào, ở xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc cho biết: Thu nhập từ trồng dâu, nuôi tằm, bán kén tằm mang lại thu nhập bình quân khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng cho gia đình. Đây là “nghề” mới, giúp cải thiện thu nhập của gia đình, được hợp tác xã bao tiêu thu mua sản phẩm, chúng tôi yên tâm phát triển sản xuất, gắn bó với “nghề” trồng dâu, nuôi tằm.
Tỉnh Cao Bằng hiện có hơn 300 hợp tác xã và 695 tổ hợp tác, với gần 12.000 thành viên hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nông lâm nghiệp; thương mại, dịch vụ; sản xuất vật liệu xây dựng; vệ sinh môi trường. Trong đó, có một số hợp tác xã tiêu biểu đã khẳng định thương hiệu trên thương trường, tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp và giải quyết nhiều việc làm cho người dân địa phương. Đại diện Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cao Bằng cho biết, các đơn vị như Hợp tác xã Tân Việt Á, với sản phẩm miến dong Tân Việt Á, đạt OCOP bốn sao, ở huyện Nguyên Bình; Hợp tác xã trồng nấm Yên Công, ở xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng; Hợp tác xã Nông nghiệp 118 ở huyện Bảo Lạc đã bao tiêu, thu mua sản phẩm dâu tằm, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Theo số liệu thống kê, năm 2023, các hợp tác xã trên địa bàn đã nộp ngân sách 23 tỷ đồng. Doanh thu bình quân các hợp tác xã đạt khoảng 1,6 tỷ đồng/đơn vị/năm và giải quyết việc làm cho 2.800 lao động, với thu nhập bình quân 55 triệu đồng/người/năm.
Không những vậy, các hợp tác xã đã đóng góp thiết thực, hiệu quả trong giải quyết việc làm khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cao Bằng Hà Ngô Tuấn, khó khăn của nhiều hợp tác xã hiện nay do thiếu vốn, thiếu mặt bằng phục vụ sản xuất, kinh doanh; khả năng kết nối thị trường, phát triển khách hàng vẫn còn hạn chế... Ngoài ra nhiều hợp tác xã chưa mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, ứng dụng khoa học-kỹ thuật, chuyển đổi số hiệu quả...
Trước thực tế đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cao Bằng đã quan tâm, lắng nghe, tiếp cận, hỗ trợ, tạo động lực giúp các hợp tác xã “chuyển mình” vươn lên. Đồng thời Liên minh đã tư vấn, hỗ trợ các hợp tác xã vay vốn từ nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Ngoài ra đơn vị đã hỗ trợ 15 lượt hợp tác xã tham dự các hội chợ xúc tiến thương mại tại Thủ đô Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh. Qua đó, giúp các hợp tác xã quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối thị trường, khách hàng ở những thành phố lớn. Cùng với đó, đơn vị cũng phối hợp tổ chức một lớp tập huấn về công tác quản lý trong sản xuất, kinh doanh cho các hợp tác xã, tổ hợp tác.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cao Bằng, Hoàng Diệu Quang cho biết: Hiện Liên minh đang tiếp tục hoàn thiện quy trình, thủ tục, xây dựng bộ máy, nhằm sớm đưa Quỹ phát triển Hợp tác xã, với số vốn 20 tỷ đồng do tỉnh Cao Bằng cấp đi vào hoạt động. Khi chính thức đi vào hoạt động, nguồn quỹ sẽ cung cấp thêm “kênh” vay vốn, góp phần giải quyết nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh cho các hợp tác xã ■