Trồng cam trên đất đồi dốc

Là người đầu tiên trồng cam quy mô hàng hóa trên đất đồi núi dốc ở xã vùng cao Thu Cúc, huyện Tân Sơn, Phú Thọ với diện tích hơn 2 ha, mỗi năm lão nông Nguyễn Minh Ðịnh thu về hàng tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Minh Ðịnh đóng gói cam vừa thu hoạch chuẩn bị chuyển cho thương lái.
Ông Nguyễn Minh Ðịnh đóng gói cam vừa thu hoạch chuẩn bị chuyển cho thương lái.

Vượt qua chặng đường núi cheo leo, đến Thu Cúc vào những ngày Tết Nguyên đán đang về dễ dàng bắt gặp những vườn cam lòng vàng, cam đường canh trĩu quả vàng rực trên sườn đồi. Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Minh Ðịnh, 60 tuổi ở khu Cón, xã Thu Cúc đúng lúc ông đang thu hoạch cam và giao cho các thương lái. Giản dị trong bộ quần áo cũ, lão nông Nguyễn Minh Ðịnh cho biết: Hôm nay, tôi và gần 10 người làm thuê của gia đình lên đồi hái cam từ lúc trời mờ sáng. Chỉ trong vài tiếng buổi sáng, chúng tôi đã hái gọn gần bốn tấn cam rồi.

Một mùa cam bội thu, ông Ðịnh phấn khởi giới thiệu, vốn người quê ở Hưng Yên, năm 1975, ông lên vùng đất trung du này làm ăn, phát triển kinh tế. Ðến năm 2016, ông quyết làm ăn lớn, tự bỏ 450 triệu đồng tiền túi ra mua hơn 2,5 ha đất đồi dốc của xã; mạnh dạn phá bỏ cây trồng kém hiệu quả và chuyển hướng sang trồng cam Vinh, cam đường canh. Theo lời ông Ðịnh, giống cam Vinh, cam đường canh là cây có múi đặc sản của vùng đất châu thổ sông Hồng.

Ðã hơn nửa đời người gắn bó với địa hình miền núi, thổ nhưỡng đất đai, khí hậu trên này nên ông Ðịnh biết và tin tưởng loại cây này sẽ thích hợp trồng và cho hiệu quả kinh tế cao. Vậy là, ông bắt tay vào trồng mô hình cam hàng hóa quy mô lớn ở xã. “Lúc đó, tôi là người đầu tiên trong xã Thu Cúc này dám trồng đồng loạt cây cam Vinh, cam đường canh trên diện tích lớn hơn 2 ha. Cây cam khá khó trồng, kén đất và thời tiết nên những năm đầu chuyển đổi, gia đình tôi cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, do chịu khó học hỏi, tìm tòi nên sau bốn năm, vườn cam của gia đình phát triển xanh tốt, bắt đầu cho thu hoạch; tạo việc làm thường xuyên cho bốn lao động địa phương”, lão nông Ðịnh chia sẻ.

Vào thời điểm thu hoạch chính trong năm, gia đình ông Ðịnh phải huy động tới hơn 10 lao động (với giá ngày công là 250.000 đồng/người/buổi) địa phương đến thu hoạch để kịp chuyển cho thương lái. Những nhân công được chia ra làm các công đoạn như cắt cam, gùi cam, chở cam từ vườn về, phân loại quả, đóng thùng...

Theo hạch toán của ông Ðịnh, trên diện tích cam trồng, mỗi năm gia đình ông đầu tư chi phí hết khoảng 400 triệu đồng (phân bón, vật tư nông nghiệp, thuê lao động). Từ năm 2020, vườn cam bắt đầu cho thu hoạch; năm đầu tiên bán quả thu lãi ít nhất cũng được gần 400 triệu đồng, còn lại mỗi năm thu lãi 500-700 triệu đồng. Với sản lượng vụ cam thu hoạch năm nay lên đến hơn 70 tấn, với giá bán cam Vinh 12.000 đồng/kg, cam đường canh 28.000 đồng/kg sẽ mang về cho gia đình ông doanh thu hơn 1,4 tỷ đồng. Tất cả cam chín thu hoạch đều được thương lái ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hưng Yên và nhiều tỉnh chung quanh Phú Thọ về tận vườn đồi để mua buôn, đóng hàng chở đi.

Ông Hà Văn Mơ, Phó Bí thư Ðảng ủy xã Thu Cúc cho biết: Hộ gia đình ông Ðịnh là một trong những hộ đầu tiên của xã trồng thành công mô hình cam quy mô hàng hóa và cho thu nhập cao. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Ðịnh còn luôn tích cực chia sẻ kinh nghiệm cho người dân, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn; luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào như xây dựng nông thôn mới, nông dân làm kinh tế giỏi của địa phương.

Từ mô hình trồng cam hiệu quả của gia đình ông Nguyễn Minh Ðịnh, nhiều bà con nhân dân trong khu vực đã đến học tập, nhờ ông Ðịnh chia sẻ kinh nghiệm để chuyển đổi, làm theo. Thời gian tới, để giúp các hộ dân trong quá trình sản xuất, phát triển mở rộng vùng cây ăn quả này, địa phương sẽ có kiến nghị với cơ quan chức năng triển khai chính sách hỗ trợ về giống, phân bón, khoa học kỹ thuật; mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng canh tác cây cam. Bên cạnh đó, địa phương sẽ chú trọng khâu liên kết, kết nối, quảng bá tiêu thụ đầu ra cho quả cam trồng; tiến tới xây dựng sản phẩm trái cây ăn quả đặc sản, đạt tiêu chuẩn OCOP để nâng cao giá trị kinh tế cây trồng, giúp người dân thu nhập cao hơn.