Thạch đen - cây chủ lực đặc biệt tại huyện Thạch An, Cao Bằng

NDO - Tại Cao Bằng, có một ngôi làng được mệnh danh là "thủ phủ thạch đen" của núi rừng Đông Bắc. Từ một cây trồng phổ thông, thạch đen đã trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững của địa phương.
Từ một cây trồng phổ thông, thạch đen đã vươn mình trở thành cây thương phẩm đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân tại Thạch An, Cao Bằng.
Từ một cây trồng phổ thông, thạch đen đã vươn mình trở thành cây thương phẩm đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân tại Thạch An, Cao Bằng.

Với diện tích trồng lên tới gần 400ha, thạch đen đã trở thành cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở Cao Bằng khi mang lại thu nhập ổn định cho rất nhiều hộ gia đình.

Cây chủ lực... đặc biệt

Tại huyện Thạch An, từ năm 2016, địa phương đã xác định thạch đen là cây trồng mũi nhọn. Cấp ủy, chính quyền cũng vận động người dân mở rộng diện tích. Qua 8 năm, tổng diện tích trồng cây thạch đen đã đạt gần 500ha, với tổng sản lượng hơn 2.000 tấn, đem lại cho người dân thu nhập trên 70 tỷ đồng hằng năm.

Đáng chú ý, Thạch An cũng phát triển nhiều cơ sở sản xuất thạch đen chất lượng phục vụ người tiêu dùng. Các cơ sở cũng không ngừng đầu tư thiết bị sản xuất hiện đại, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm tới khách hàng và đối tác trong và ngoài tỉnh.

Thạch đen - cây chủ lực đặc biệt tại huyện Thạch An, Cao Bằng ảnh 1

Quy trình làm ra món thạch đen Cao Bằng.

Từ món ăn dân dã, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền cùng với tư duy dám nghĩ, dám làm của người dân Thạch An, món thạch đen (thạch sương sáo) đã trở thành đặc sản của địa phương. Hiện sản phẩm được sản xuất và đóng gói theo quy trình hiện đại đạt tiêu chuẩn OCOP và được đông đảo người tiêu dùng, các du khách từ khắp nơi yêu thích.

Với lợi thế vùng nguyên liệu dồi dào, thị trường tiêu thụ ổn định, sản phẩm thạch đen của Cao Bằng giờ không chỉ là món ngon của người dân địa phương mà ngày càng vươn xa khắp các tỉnh, thành nhờ hương thơm dịu nhẹ, vị ngọt thanh mát, nhất là khi được nấu theo phương pháp thủ công, không dùng hóa chất vẫn tạo được độ dẻo, dai khi thưởng thức. Đây cũng là sản phẩm kinh tế chủ lực kéo kinh tế của người dân đi lên.

Chị Nông Thị Lệ Thùy, chủ cơ sở sản xuất thạch đen Lệ Thùy cho biết: Thời gian gần đây, nhờ làm tốt khâu tiếp thị, không ngừng nâng cao chất lượng, sản phẩm thạch đen Thạch An "phủ sóng" ngày càng rộng.

Hằng năm cao điểm mùa hè, mỗi ngày cơ sở của chị Thùy sản xuất và bán được gần 3.000 hộp thạch đen (tương đương 3 tấn), chủ yếu cung cấp cho các thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... và khách du lịch mua về làm quà.

Tinh hoa trong món ăn dân dã

Để có được món thạch đen, theo chị Lệ Thùy, ngay khi cây bắt đầu xuất hiện nụ hoa ở ngọn, người dân sẽ cắt sát gốc, thân và lá mang về phơi nắng nhẹ, rửa sạch rồi cho vào nồi nấu nhừ, để nguội.

Tiếp đó, người nấu sẽ đổ nước vào túi vải sạch, vắt lấy nước bỏ bã trước khi đổ bột gạo hay bột sắn vào nấu lại đến khi dung dịch đặc quánh mới đổ vào chậu đợi nguội. Ngoài ra, để thạch mau đông và giòn, có thể cho thêm ít nước tro (tro rơm rạ rửa sạch, lọc sạch) vào cùng với nước thạch đã lọc và bột gạo hoặc bột sắn, bột năng trước khi nấu sôi lại.

Thạch đen - cây chủ lực đặc biệt tại huyện Thạch An, Cao Bằng ảnh 2

Thạch đen trở thành món thưởng thức nổi tiếng của Cao Bằng.

Bên cạnh thạch đen, bánh thạch đen cũng tạo ra một sức hút không kém khi từng miếng thạch dai giòn chế biến từ cây thạch đen được người thợ khéo léo sáng tạo thêm phần nhân đỗ xanh, tạo nên một món tráng miệng mới mẻ, ngon miệng, đặc biệt là trong những ngày hè nóng bức.

Cũng giống như thạch đen, bánh thạch đen được làm từ những nguyên liệu thủ công, dân dã. Phần vỏ bánh được chế biến từ cây thạch đen trồng tại huyện Thạch An, thu hoạch khi cây xuất hiện nụ hoa ở ngọn, cắt sát gốc, thân và lá thu về rải đều, phơi nắng nhẹ, rửa sạch cành lá cây thạch khô, cho vào nồi nấu nhừ, bắc ra để nguội, đổ nước vào túi vải sạch, vắt lọc lấy nước bỏ bã, rồi đổ bột gạo hay bột sắn vào nấu cho sôi lại cho đến khi dung dịch đặc quánh lại thì đổ vào chậu, để nguội.

Phần nhân bánh được làm từ đỗ xanh và dừa sợi được nạo mỏng. Loại đỗ được chọn phải là đỗ xanh ngon, hạt căng mẩy, ruột vàng óng, khi chế biến có độ bở, thơm mịn.

Thạch đen - cây chủ lực đặc biệt tại huyện Thạch An, Cao Bằng ảnh 3

Thạch đen và bánh thạch đen - món ăn gây thương nhớ của đất Thạch An, Cao Bằng.

Từ một cây trồng tưởng chừng bình thường, đến nay, cây thạch đen được xuất khẩu đi nhiều nước; sản phẩm thạch đen chế biến từ cây thạch với vị ngọt mát, thanh đạm, giải nhiệt được thị trường trong nước ưa chuộng, đầu ra ổn định, tạo triển vọng lớn cho cây “giảm nghèo” ở Thạch An.

Để duy trì diện tích, phát triển bền vững cây thạch đen, lãnh đạo huyện Thạch An cho biết, địa phương chú trọng tập huấn kỹ thuật sản xuất sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho nông dân, cơ sở thu mua, chế biến sản phẩm từ cây thạch đen. Đồng thời, phối hợp quảng bá cây thạch đen, sản phẩm từ cây thạch đen; kêu gọi đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ cây thạch đen tại địa bàn huyện, tạo đầu ra ổn định, bền vững cho cây thạch đen, giúp nông dân thoát nghèo, làm giàu.