Tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả tài sản công

Kỳ họp thứ 11 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16 vừa thông qua Nghị quyết về Đề án Quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố" tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. (Ảnh GIA HUY)
Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố" tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. (Ảnh GIA HUY)

Trong đó, Hội đồng nhân dân thành phố đã đưa ra các giải pháp kịp thời nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công, phòng, chống thất thoát, lãng phí...

Theo Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu, Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030 là Đề án khung, có tính chất định hướng. Đây là một đề án quan trọng, liên quan đến điều hành của thành phố, có phạm vi bao quát rộng, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng trên địa bàn, cần sự giám sát của Hội đồng nhân dân trong quá trình tổ chức, thực hiện.

Tại Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030 đã xác định phạm vi bốn nhóm tài sản công gồm nhà, đất đai, tài sản kết cấu hạ tầng và tài sản khác. Trọng tâm là phân tích, đánh giá đối với hai nhóm chủ yếu là quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố và đất đai.

Đề án đưa ra năm nhóm giải pháp chung gồm: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về tài sản công theo hướng rõ ràng, thống nhất, đồng bộ; thống kê, hệ thống hóa đầy đủ, chính xác thông tin, dữ liệu về tài sản công với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin; kiện toàn, đổi mới mô hình, bộ máy cơ quan quản lý tài sản công và đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác quản lý tài sản công; nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Cùng với đó, Đề án đề ra bốn nhóm giải pháp cụ thể để khắc phục hạn chế và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và khai thác từng nhóm tài sản công của thành phố.

Đáng chú ý, tại Đề án mới được thông qua, lưu ý về giải pháp đối với từng nhóm tài sản công. Theo đó, đối với quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố giao các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh nhà quản lý, khai thác giai đoạn 2023-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030, thành phố sẽ từng bước áp dụng các hình thức “đấu giá cho thuê” thay cho hình thức “cho thuê chỉ định” nhằm bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch theo hướng thị trường. Đối với ô-tô và tài sản khác, thành phố rà soát, ban hành đầy đủ hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng theo quy định của Trung ương, khuyến khích thực hiện khoán kinh phí sử dụng tài sản công.

Hội đồng nhân dân thành phố nhất quán quan điểm kiên quyết thu hồi đối với phần diện tích nhà, đất phải bàn giao về thành phố quản lý (quỹ diện tích tầng 1 nhà chung cư thương mại, quỹ nhà tạm cư...), diện tích nhà, đất vi phạm, sử dụng chưa đúng mục đích để lập phương án giao quản lý, khai thác và xử lý theo quy định.

Công khai, minh bạch thông tin đối với dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật bị cưỡng chế, thu hồi, chấm dứt hoạt động để tạo sự đồng thuận, giám sát của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện.

Liên quan vấn đề quản lý, khai thác tài sản công, trong năm 2022, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức giám sát chuyên đề và tiến hành chất vấn về việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất, thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố Hà Nội. Qua giám sát và chất vấn có thể thấy, công tác quản lý, khai thác sử dụng tài sản công của thành phố thời gian qua còn nhiều bất cập và chưa phát huy được hiệu quả trong sử dụng nguồn lực có nguồn gốc từ tài sản công.

Những số liệu được đưa ra tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ bảy khiến cử tri và các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố không khỏi xót xa khi trong tổng số 803 nhà chuyên dùng, có 357 địa điểm vi phạm, điển hình như cho thuê lại, liên doanh liên kết, cải tạo lại, cơi nới, xây dựng thêm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Tại 199 tòa nhà chung cư tái định cư, với tổng diện tích quỹ nhà kinh doanh dịch vụ tầng một thành phố đang quản lý là hơn 85 nghìn mét vuông thì đã có hơn 35 nghìn mét vuông còn trống chưa bố trí thuê sử dụng, hoặc sử dụng trái phép, sai mục đích, chiếm tỷ lệ 41%.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Đề án Quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố giai đoạn 2023-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030 là đề án lớn nhằm khắc phục các hạn chế đã được chỉ ra sau giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố, phát huy hiệu quả các nguồn lực tài sản công, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Hội đồng nhân dân thành phố đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án, trong đó, cần rà soát, thống kê đầy đủ số lượng, hiện trạng các tài sản công; cập nhật dữ liệu chính xác làm cơ sở để theo dõi, quản lý công khai, minh bạch.

Xây dựng kế hoạch, lộ trình, giải pháp đồng bộ, khả thi để khai thác hiệu quả các tài sản công; trước mắt là kiên quyết, tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm về tài chính, về trật tự xây dựng, thu hồi các tài sản bị sử dụng sai mục đích; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tránh gây thất thoát, lãng phí nguồn lực.

Trường hợp vi phạm nghiêm trọng, phải khẩn trương chuyển đến các cơ quan chức năng để bảo đảm kỷ cương, nghiêm minh và thực thi pháp luật theo quy định.