Tăng cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Dù mới ra đời, nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Thành phố đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường để giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ hơn.
0:00 / 0:00
0:00

Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2023 thu hút hơn 250 gian hàng của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… Các doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm chất lượng, có tính cạnh tranh cao, nằm trong các ngành lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ then chốt như linh kiện, phụ tùng, chế tạo, các sản phẩm gia công chính xác; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao...

Hội chợ có sự tham gia của gần 40 đơn vị mua hàng theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, giúp giao thương có trọng điểm, có khả năng thiết lập các hợp đồng thỏa thuận, giao dịch ngay tại hội chợ. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn đầu tư công nghệ Intech Hoàng Hữu Yên nhận định, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm..., doanh nghiệp có thêm cơ hội gặp gỡ, tiếp cận những khách hàng có nhu cầu cải tiến, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất.

Giám đốc Công ty CP NC Network Việt Nam Yasuo Uchihara cho biết, NC Network và FNA Group có mạng lưới thông tin doanh nghiệp chế tạo với gần 40 nghìn hội viên tại Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan. Các doanh nghiệp đến hội chợ Công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội lần này có cơ hội gặp gỡ và giao thương với những đối tác tiềm năng, tạo ra những cơ hội đột phá trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ban Tổ chức đã nắm bắt các ưu, nhược điểm của ngành sản xuất Việt Nam để giới thiệu, kết nối cho doanh nghiệp nước ngoài.

Sự tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp đến với hội chợ Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội năm nay cũng như những năm gần đây đã thể hiện sức hút của lĩnh vực này. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố đã liên tục tăng lên cả về số lượng, quy mô, chất lượng, lĩnh vực ngành nghề. Tính đến nay, trên địa bàn Thủ đô có khoảng 960 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, với hơn 320 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch Công ty Hanel PT Trần Thu Trang chia sẻ: “Doanh nghiệp chúng tôi đã có 23 năm thành lập và phát triển. Nếu như những ngày đầu, chúng tôi cảm thấy rất đơn độc khi lựa chọn công nghiệp hỗ trợ thì nay, số lượng doanh nghiệp tham gia ngày càng đông đảo, chất lượng và chuyên nghiệp hơn”.

Ông Noboru Kinoshita, Cố vấn quốc tế của Tổ chức xúc tiến công nghiệp tỉnh Aichi (Nhật Bản) chia sẻ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản ngày càng quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam. Số doanh nghiệp cần tư vấn đầu tư vào Việt Nam gửi đến Tổ chức xúc tiến công nghiệp tỉnh Aichi, Nhật Bản tăng dần hằng năm, chủ yếu là đầu tư vào các lĩnh vực sửa chữa máy tính, bảo trì mạng và áp dụng dịch vụ IT sản xuất…

Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung, của Hà Nội nói riêng hình thành và phát triển muộn hơn so với các nước trong khu vực cho nên quá trình này đòi hỏi những định hướng, cơ chế chính sách, giải pháp đủ mạnh để phát triển theo kịp các nước trong khu vực và thế giới.

Bên cạnh sự hỗ trợ về thị trường, quảng bá sản phẩm, các doanh nghiệp cũng mong muốn thành phố hỗ trợ doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Đại diện Tổ chức xúc tiến công nghiệp tỉnh Aichi cũng chia sẻ, các doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư vào Việt Nam còn lo lắng trong việc hệ thống thuế chưa rõ ràng, nhiều quy định, chính sách còn chưa cụ thể, trong đó có cơ chế ưu đãi với FDI... Bên cạnh đó, họ lo lắng về đối thủ cạnh tranh, nguồn nguyên vật liệu và linh kiện tại Việt Nam còn thiếu…

Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết, với định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp xanh, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công thương, các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại; hỗ trợ kết nối doanh nghiệp tham gia các chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng trong nước và quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; mua bản quyền, sáng chế, phần mềm, chuyển đổi số, thuê chuyên gia nước ngoài và đào tạo nguồn nhân lực... “Cánh cửa cho công nghiệp hỗ trợ đang rất rộng mở. Thành phố sẽ cố gắng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn nữa”, đại diện Sở Công thương nhấn mạnh.