Tái phát “bệnh” siêu mỏng, siêu méo

Vài năm gần đây, thành phố đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường mới trong khu vực nội thành nhưng không phải dự án nào cũng làm đẹp cảnh quan đô thị thành phố, bởi tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo (SMSM) lại mọc lên tràn lan. Sau rất nhiều cố gắng, nỗ lực của nhiều cấp, nhiều ngành, đến nay, vẫn còn tồn đọng 147 trường hợp nhà SMSM. Tuy nhiên, trong khi số nhà SMSM này chưa xử lý xong, thì lại phát sinh thêm hàng loạt những căn nhà SMSM khác.

Tại quận Cầu Giấy, trên ba tuyến đường mới Nguyễn Văn Huyên kéo dài, đường Võ Chí Công (đoạn qua địa bàn phường Nghĩa Đô) và Trần Quý Kiên kéo dài, có 64 thửa đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng. Quận đã có phương án xử lý hợp thửa, chỉnh trang cho tồn tại được 42 trường hợp, 22 trường hợp còn lại rất dễ phát sinh thành nhà SMSM.

Quận Hoàng Mai có 75 trường hợp SMSM xuất hiện chủ yếu dọc tuyến đường vành đai 2 và tuyến đường ven sông thuộc dự án thoát nước giai đoạn II. Trong đó có 48 trường hợp thu hồi, 23 trường hợp tiến hành hợp thửa và hai trường hợp chỉnh trang cho tồn tại tạm thời.

Đường vành đai 1, đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái và đường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) cũng có 70 trường hợp sau GPMB diện tích còn lại không đủ xây dựng, nếu không quản lý tốt và nhanh chóng có giải pháp hợp thửa thì dễ phát sinh nhà SMSM.

Quận Thanh Xuân có 51 công trình SMSM nằm trên đường vành đai 2, đoạn từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng. Đến nay, quận đã hợp thửa 27 trường hợp, năm trường hợp cải tạo, chỉnh trang, 19 trường hợp bị thu hồi.

Tình trạng nhà SMSM tại Hà Nội đã xuất hiện từ nhiều năm nay, thành phố và các sở, ngành ban hành nhiều văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn xử lý. Năm 2013, Luật Thủ đô được ban hành, tại điểm 2, Điều 9 Luật Thủ đô nêu rõ: “Khi lập quy hoạch chi tiết trục đường giao thông mới trên địa bàn Thủ đô phải bảo đảm phạm vi lập quy hoạch mở rộng mỗi bên kể từ phía ngoài chỉ giới đường đỏ của tuyến đường dự kiến theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị”. Vậy nhưng tình trạng này vẫn phát sinh, theo chiều hướng phức tạp.

UBND thành phố cho rằng, trách nhiệm về tình trạng này thuộc về UBND các quận, huyện vì chưa làm tốt công tác ngăn ngừa xây dựng công trình không đủ điều kiện về mặt bằng. Các quận, huyện giải thích, cách tốt nhất để tình trạng này không xảy ra là thu hồi cùng lúc diện tích các hộ dân trong diện mở đường và những hộ nằm ngoài dự án nhưng có diện tích còn lại không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng. Nhưng hiện nay trong quá trình chuẩn bị đầu tư, các dự án đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông đều chưa được xem xét về việc bố trí nguồn vốn cho việc giải phóng mặt bằng ngoài phạm vi mở đường, vì vậy, khó có thể cùng lúc thu hồi diện tích các hộ dân trong diện mở đường và những hộ nằm ngoài dự án nhưng có diện tích còn lại không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng. Mặt khác, việc lập đồ án quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường giao thông mới mở thường tiến hành sau khi dự án xây dựng, mở rộng đường hoàn thành, dẫn đến sự lúng túng cho chính quyền khi xử lý các trường hợp SMSM, bởi nhiều hộ dân không hợp tác hoặc không có nhu cầu hợp thửa, hợp khối…

Thực tế phức tạp của tình trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng của thành phố có giải pháp đồng bộ, kiên quyết hơn trong quản lý trật tự xây dựng. Nếu không, “căn bệnh” SMSM sẽ liên tục tái phát.