Tác hại từ thói quen đốt rơm rạ

Thói quen đốt rơm rạ trên đồng ruộng của nông dân không chỉ gây mất chất dinh dưỡng có trong rơm rạ, mà còn ảnh hưởng đa dạng sinh học và gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, việc vùi rơm rạ vào đất ruộng gây tăng phát thải khí mê-tan và khí thải nhà kính.
0:00 / 0:00
0:00
Máy băm rơm làm phân hữu cơ.
Máy băm rơm làm phân hữu cơ.

Để giải quyết câu chuyện rơm rạ, nhiều ý kiến cho rằng, ngành chức năng cần nghiên cứu, đề xuất những chính sách hợp lý, cũng như ban hành quy trình, hướng dẫn quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp tại đồng bằng sông Cửu Long.

Sai lầm từ thói quen

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin, mỗi năm, nước ta sản xuất khoảng 43 triệu tấn lúa với lượng rơm rạ phát sinh khoảng 47 triệu tấn, nhưng chỉ có khoảng 20% được thu gom và sử dụng với mục đích làm nấm rơm, thức ăn chăn nuôi, đệm lót vận chuyển trái cây,...

Riêng tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng lúa thu hoạch mỗi năm đạt khoảng 24 triệu tấn, tạo ra khoảng 26-27 triệu tấn rơm rạ. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 30% lượng rơm rạ được thu gom sử dụng, 70% còn lại được xử lý bằng cách đốt trên đồng và vùi vào đất.

Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đốt bỏ rơm rạ đã tạo ra một lượng phát thải rất lớn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, với 40 triệu tấn rơm rạ khi đốt sẽ phát thải ra môi trường khoảng 50 triệu tấn khí thải.

Thói quen đốt bỏ rơm rạ của nông dân miền Tây Nam Bộ là một sai lầm diễn ra trong suốt thời gian dài. Điều này đã gây lãng phí tài nguyên, dinh dưỡng, ô nhiễm môi trường, giảm đa dạng sinh học, biến đổi thành phần cơ giới của đất. Còn việc vùi rơm rạ vào ruộng ngập nước làm tăng phát thải khí nhà kính, gây ngộ độc hữu cơ cho lúa vụ sau.

Thực tế cho thấy, các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện còn gặp nhiều khó khăn do chưa có giải pháp tối ưu; trên phần lớn diện tích sản xuất lúa, nông dân thường chọn biện pháp đốt rơm rạ trong vụ lúa đông xuân và hè thu. Chính điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đất cũng như môi trường không khí do đốt rơm rạ thải nhiều khí độc như: CO2, CO, CH4...

Xử lý và sử dụng rơm rạ bền vững

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, Chuyên gia khoa học cao cấp, Trưởng Ban cơ giới hóa và sau thu hoạch của IRRI, đồng bằng sông Cửu Long có thể thực hiện kinh tế tuần hoàn từ rơm. Người dân cần tận dụng sản xuất các sản phẩm từ rơm như nấm rơm, thức ăn cho bò, phân bón sinh học; cũng như phát triển các mô hình kinh doanh từ rơm rạ.

Cùng với đó là thay đổi tư duy sản xuất của nông dân và các bên liên quan trong chuỗi giá trị; cải tiến quản lý thu gom và vận chuyển rơm với sự hỗ trợ của cơ giới hóa và nông nghiệp số; mở rộng áp dụng công nghệ trong việc thu gom và xử lý rơm rạ với mục đích biến rơm rạ từ phụ phẩm thành sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao.

Để giải quyết vấn đề rơm rạ, Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã hướng đến quản lý rơm rạ nhằm tăng giá trị, giảm phát thải.

Trong đó, Đề án mong đợi việc áp dụng các tiêu chuẩn GAP trên đồng ruộng sẽ đạt 80%, đồng thời là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và áp dụng cơ giới hóa sau thu hoạch một cách đồng bộ, nhất là sẽ di chuyển rơm khỏi đồng ruộng và tái sử dụng, chế biến đạt trên 80% tổng lượng rơm của toàn vùng.

Một số giải pháp xử lý rơm rạ được đưa ra trong thời gian tới như xây dựng quy trình quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp kèm sổ tay hướng dẫn. Song song đó là xây dựng tiêu chuẩn quản lý rơm rạ cho Việt Nam (2023-2024); phối hợp giữa Cục Trồng trọt, IRRI và các doanh nghiệp tư nhân phát triển và nhân rộng các mô hình kinh doanh phân bón; hợp tác nâng cao năng lực cán bộ, chuyên viên nông nghiệp về quản lý rơm rạ bền vững, kinh tế tuần hoàn từ rơm.

Mục tiêu là rơm rạ sẽ được thu gom và giải quyết theo chuỗi giá trị: 30% trồng nấm, 35% phủ gốc cây trồng và đệm lót vận chuyển trái cây, 25% làm thức ăn cho gia súc, 10% sử dụng khác.

Từ đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong vùng thực hiện tốt hơn các nguyên tắc, nội dung, quy trình thu gom, xử lý, sử dụng rơm rạ trên đồng ruộng một cách đồng bộ, phù hợp với từng địa phương. Qua đó, góp phần tăng thêm giá trị và nguồn thu nhập cho người trồng lúa trên cùng diện tích canh tác và làm giảm phát thải khí nhà kính từ trồng lúa, tiến tới thực hiện cam kết của Chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.