Bảo đảm sản xuất mùa mưa lũ

Hậu Giang là vùng trũng, thấp cho nên sản xuất nông nghiệp thường gặp nhiều rủi ro, thiệt hại vào mùa mưa lũ. Bên cạnh giúp người dân giảm thiệt hại, địa phương đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm sản xuất trong mùa mưa lũ năm nay.
0:00 / 0:00
0:00
Nạo vét kênh thủy lợi khơi thông dòng chảy và gia cố hệ thống đê bao ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
Nạo vét kênh thủy lợi khơi thông dòng chảy và gia cố hệ thống đê bao ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Nhiều ngày qua, mưa dầm, dông lốc ảnh hưởng xấu đến diện tích lớn lúa hè thu trong giai đoạn trổ-chín và lúa thu đông giai đoạn mạ, đẻ nhánh. Người dân ở Ấp 5, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy rất lo cho lúa thu đông mới gieo sạ vì bị ngập úng kéo dài.

Ông Trần Văn Chạy có năm công ruộng vừa gieo sạ được bốn đêm, cho biết: “Buổi sáng tôi xuống giống xong là đến chiều tối gặp mưa liên tục cho đến hôm nay. Thông thường, sau bốn đêm sạ thì lúa đã lên xanh rồi, còn bây giờ do bị mưa vùi hạt giống vào đất cho nên chỉ có những chỗ gò cao thì thấy cây lúa nhú lên, còn chỗ vùng trũng chưa thấy tín hiệu gì”.

Theo người dân, điều kiện làm vụ lúa thu đông trong mùa mưa lũ thường gặp nhiều rủi ro, năng suất thấp, chi phí lại cao cho nên hiệu quả không cao, thậm chí thua lỗ.

Mặc dù đã lường trước sẽ gặp mưa, người dân tăng lượng lúa giống gieo sạ từ 15 kg/công (một công là 1.300 m2) lên 18 kg/công nhằm phòng ngừa hao hụt khi gặp mưa dầm, nhưng thực tế tỷ lệ lúa bị chết mộng trên cánh đồng nơi đây vẫn khá nhiều.

Còn ông Nguyễn Văn Diễm ở Ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy kể: Nhiều ngày qua, chiếc máy xăng của gia đình ông luôn túc trực bơm rút nước từ trên ruộng ra kênh, nhưng do mưa như trút nước nhất là vào ban đêm nên hiện tỷ lệ hao hụt giống cũng khá nhiều.

Để không phải gieo sạ lại, ông và người dân nơi đây đang tích cực khơi thông đường nước trên ruộng để rút xuống kênh nhanh hơn; tích cực bắt ốc bươu vàng trên đồng ruộng, bởi đây là đối tượng làm thiệt hại lúa mộng khá nhiều, nhất là trong điều kiện thời tiết mưa dầm như hiện nay.

Mưa dầm, dông lốc dài ngày cũng ảnh hưởng đến nhiều diện tích lúa hè thu muộn đang vào thời điểm thu hoạch.

Theo anh Đặng Thanh Thương ở Ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, hiện cánh đồng nơi đây vào mùa thu hoạch rộ lúa hè thu. Tuy nhiên, mưa dầm làm tiến độ thu hoạch khá chậm và máy cắt bị dồn công khá nhiều.

Ngoài kéo dài thời gian cắt, mưa dầm kèm theo gió lớn đã làm đổ ngã nhiều diện tích lúa, từ đó kéo theo năng suất giảm khoảng 5-10%.

Theo ghi nhận của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, có hơn 50 ha lúa thu đông ở giai đoạn mạ bị ngập úng, trong đó có 7 ha bị thiệt hại từ 20-25%, diện tích còn lại chưa ghi nhận thiệt hại, hiện nông dân chủ động bơm thoát nước.

Đối với lúa hè thu, có hơn 170 ha trong giai đoạn trổ-chín bị đổ ngã do mưa dầm kèm theo dông lốc trong những ngày qua, tỷ lệ lúa đổ ngã từ 5-30% trên cùng diện tích canh tác. Trong đó có gần 45 ha thiệt hại với tỷ lệ từ 10-30% trên địa bàn thị xã Long Mỹ...

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp Trần Văn Tuấn cho biết, diện tích đất sản xuất lúa của huyện hơn 19.000 ha, nhưng diện tích gieo sạ vụ thu đông hằng năm đều giảm vì làm vụ này thường không mang lại hiệu quả.

Nếu như vụ lúa thu đông năm 2023 toàn huyện xuống giống khoảng 10.000 ha thì năm 2024 giảm còn khoảng 6.000 ha. Phần lớn người dân bỏ đất trống một vụ hoặc chuyển sang mô hình canh tác khác, đợi đến vụ đông xuân mới sản xuất lại.

Những năm gần đây, nhiều người áp dụng mô hình nuôi cá ruộng mùa nước nổi mang lại hiệu quả cao, thay thế cho lúa vụ 3. Năm 2023, người dân thả nuôi cá ruộng với diện tích khoảng 3.500 ha, năm nay dự kiến tăng lên từ 4.000-4.500 ha. Đây cũng được xem là một trong những mô hình sản xuất “thuận thiên” mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Để bảo đảm sản xuất trong mùa mưa lũ, nhất là diện tích lúa thu đông đã gieo sạ và khoảng 10.000 ha vườn cây ăn trái, huyện đang triển khai nạo vét, gia cố hệ thống đê bao, cống đập với kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Bên cạnh phát huy tối đa 12 trạm bơm (mỗi trạm phục vụ cho khoảng 200 ha) đã được đầu tư trước đó, huyện cũng khuyến khích người dân nhân rộng mô hình nuôi cá ruộng mùa nước nổi, tăng cường vận động gia cố bờ bao, cống đập, khai thông dòng chảy, tích cực bơm nước chống ngập úng cho lúa và các loại cây trồng khác nhằm giảm thiệt hại trong mùa mưa lũ”, ông Tuấn cho biết.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, toàn tỉnh có hơn 74.000 ha đất sản xuất lúa (riêng vụ lúa thu đông năm 2024 gieo sạ được gần 24.000 ha); hơn 40.000 ha vườn cây ăn trái; hơn 24.000 ha rau màu; hơn 3.000 ha mía và hơn 10.000 ha nuôi trồng thủy sản.

Đến nay, đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có hệ thống đê bao khép kín. Hằng năm, vào mùa mưa lũ, từ nguồn thủy lợi phí, các địa phương đều có kế hoạch nạo vét các tuyến kênh, gia cố hệ thống đê bao, cống đập trọng yếu kết hợp với Chiến dịch giao thông thủy lợi để bảo đảm sản xuất.

Bên cạnh đó cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân chủ động gia cố cống đập, ao mương… trước khi lũ về; vận động người dân ở vùng thích hợp (trũng, thấp) như huyện Vị Thủy, Phụng Hiệp, Long Mỹ… tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi cá ruộng mùa nước nổi thay cho lúa vụ 3 kém hiệu quả.