Trồng dừa phát thải thấp hay dừa hữu cơ là phương pháp canh tác bền vững, giúp giảm lượng khí nhà kính phát thải vào môi trường và tối ưu hóa sử dụng tài nguyên. Theo các chuyên gia nông nghiệp, phương pháp này bao gồm việc sử dụng phân bón hữu cơ, kỹ thuật tưới tiết kiệm nước và quản lý dịch hại sinh học. Đây là những yếu tố quan trọng giúp giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Trà Vinh là một trong những tỉnh có diện tích cây dừa đứng thứ 2 vùng Đồng bằng sông Cửu Long (sau tỉnh Bến Tre) với tổng diện tích trồng đến nay khoảng 27.390 ha, sản lượng hằng năm khoảng 444 triệu quả. Để nâng cao giá trị từ cây dừa, tránh tình trạng mất giá, lợi nhuận thấp, nhiều năm qua UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện đề án "Nâng cấp chuỗi giá trị dừa", triển khai nông dân chuyển sang trồng dừa hữu cơ, được cấp chứng nhận GlobalGAP.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Văn Đông cho biết: Từ năm 2016, tỉnh Trà Vinh bắt đầu hình thành vùng dừa hữu cơ đầu tiên theo tiêu chuẩn EU, USDA với diện tích 369 ha tại xã Đại Phước, huyện Càng Long do Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) xây dựng. Đến nay toàn tỉnh có hơn 5.200 ha dừa hữu cơ đạt tiêu chuẩn EU, USDA, Canada, Trung Quốc và 1.489 ha đang đợi Tổ chức Control Union đánh giá chứng nhận, chiếm 18,2% diện tích dừa toàn tỉnh. Toàn bộ diện tích dừa hữu cơ nêu trên đều được sáu doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh liên kết thu mua với giá đề xuất cao hơn từ 5% - 15% giá dừa thường. Hiện nay tỉnh có 18 mã số vùng trồng nội địa được cấp trên cây dừa với diện tích 1.312,2 ha và một mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích 150 ha; đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng diện tích vườn dừa được trồng của tỉnh đạt khoảng 30.000 ha; trong đó có 5.000 ha dừa hữu cơ được bố trí trồng tại các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và thành phố Trà Vinh.
Năm 2020, mô hình dừa hữu cơ được ngành nông nghiệp tỉnh hỗ trợ triển khai tại địa bàn xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần với 202 hộ tham gia trên tổng diện tích hơn 220 ha. Mô hình được thực hiện theo tiêu chuẩn xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ bao gồm: Không sử dụng phân hóa học, các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, không nuôi gia súc, gia cầm và không sử dụng các loại hố xí trong vườn dừa; thay vào đó, nguồn dinh dưỡng cho dừa là từ các loại phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh.
Chị Huỳnh Thị Tuyết, Hợp tác xã (HTX) dừa hữu cơ Tân Thành, huyện Tiểu Cần cho biết, khi tham gia mô hình này, nông dân được hướng dẫn về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dừa hữu cơ, được liên kết với hợp tác xã bao tiêu sản phẩm với mức giá bảo đảm cao hơn giá thị trường từ 5%-10%. Ngoài ra, vào thời điểm hạn hán, mặn xâm nhập xảy ra vẫn không ảnh hưởng đến cây dừa; cây dừa phát triển rất tốt, ít sâu bệnh, năng suất tăng nhiều so với trước kia.
Cũng là một xã viên tích cực của HTX Tân Thành, ông Nguyễn Văn Hưng đã có hơn 5 năm kinh nghiệm trong việc thực hiện chuyển đổi kỹ thuật canh tác mới. Theo ông, khi nền đất được xử lý bằng phân hữu cơ vi sinh, không bón phân hóa học sẽ giúp giảm khoảng 55% chi phí, nhờ đó cho lợi nhuận cao hơn.
Trà Vinh xác định dừa là một trong những cây trồng chủ lực cho nên cần thu hút đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo liên kết để phát triển bền vững chuỗi sản phẩm dừa trên địa bàn tỉnh. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Văn Đông cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đã thiết lập các liên kết giữa doanh nghiệp đầu chuỗi với người dân theo hai dạng chính là liên kết phát triển vùng nguyên liệu theo các tiêu chuẩn (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ) và tiêu thụ sản phẩm theo hướng khép kín và lâu dài; doanh nghiệp đầu chuỗi liên kết tiêu thụ nguyên liệu hoặc sản phẩm sơ chế, không trực tiếp tham gia phát triển và quản lý vùng nguyên liệu. Cần tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục đầu tư, thành lập các HTX kiểu mới, kết nối đào tạo nghề, cung cấp nguồn lao động tại chỗ, cung cấp mặt bằng tập kết và sơ chế nguyên liệu dừa trái để sản xuất và phát triển các dịch vụ. Doanh nghiệp sẽ được khuyến khích hỗ trợ về nguồn vốn ban đầu cho các HTX để xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị sơ chế và xe vận chuyển cũng như đào tạo kỹ năng cần thiết cho lao động của các HTX.
Toàn tỉnh đã triển khai liên kết trong sản xuất và tiêu thụ dừa với nhiều doanh nghiệp tham gia, như: Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) liên kết nông dân tạo chuỗi dừa hữu cơ với diện tích 763 ha; Công ty cổ phần Chế biến dừa Á Châu với diện tích dừa hữu cơ 220,56 ha; Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong đang triển khai xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ khoảng 500 ha... Là công ty duy nhất của tỉnh đạt hiệu quả với mô hình trồng hữu cơ thu mật, Công ty TNHH Trà Vinh Sokfarm đã đồng hành cùng người nông dân tạo ra lối đi riêng đầy triển vọng cho ngành dừa Trà Vinh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Giám đốc công ty Thạch Thị Chal Thi chia sẻ: Từ năm 2018, công ty bắt đầu triển khai dự án mật hoa dừa. Với những người nông dân cung cấp mật cho công ty, thu nhập tăng từ 3-5 lần so với lấy trái trồng dừa lấy mật lại theo hướng hữu cơ. Hiện nay công ty có 5 sản phẩm dừa nguyên chất, chế biến ra 30 sản phẩm phong phú. Mô hình đã góp phần cải thiện kế sinh nhai tại địa phương và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp bản địa chất lượng cao. Sản phẩm mật hoa dừa Sokfarm đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan và có mặt trên các sàn thương mại điện tử quốc tế. Mục tiêu của công ty đến năm 2030 là sẽ liên kết với 1.000 nông hộ.
Anh Thạch Chal Đô, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần cho biết, gia đình anh trồng dừa lấy mật bán cho công ty này khoảng một năm nay, thu nhập ổn định hơn so với trồng để bán trái, nhưng công sức cũng cực hơn vì phải theo hướng hữu cơ. Gia đình anh trồng diện tích hai công với 40 cây dừa, cho thu nhập 20 triệu đồng/tháng. Mỗi ngày lấy mật 5 lần, cứ khoảng bốn giờ lại lấy một lần.
Mô hình trồng dừa phát thải thấp tại Trà Vinh và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã chứng minh được hiệu quả vượt trội, cần thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu và yêu cầu phát triển bền vững. Việc nhân rộng mô hình này không chỉ góp phần cải thiện đời sống người nông dân mà còn đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế-xã hội địa phương, khu vực.