Nông dân vừa thu hoạch thí điểm mô hình trồng lúa chất lượng cao phát thải thấp vụ hè thu 2024 trên diện tích 50 ha ở Hợp tác xã Tiến Thuận, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh. Đây là mô hình thí điểm đầu tiên nằm trong đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với kết quả khả quan. Kết quả mô hình thí điểm cho thấy, tổng chi phí đầu vào giảm khoảng 15% so với mô hình đối chứng, giảm 30% lượng phân bón đạm, giảm 2-3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và giảm lượng nước tưới khoảng 30-40%.
Năng suất lúa tăng 10,5% so với mô hình đối chứng. Lợi nhuận mô hình điểm cao hơn từ 1,3-6,2 triệu đồng/ha, trung bình gần 20%. Về giảm phát thải khí nhà kính, giảm từ 2-12 tấn CO2/ha so với mô hình đối chứng. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm lúa gạo được sản xuất tại các mô hình thí điểm.
Có được kết quả này là nhờ diện tích lúa tham gia mô hình phải đáp ứng các tiêu chí về sử dụng giống xác nhận, áp dụng quản lý nước ướt khô xen kẽ, sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân bón, giảm số lần bón phân còn 2 lần/vụ. Đồng thời, ruộng lúa áp dụng IPM (quản lý dịch hại) trong quản lý bảo vệ thực vật, sử dụng máy gặt đập liên hợp cho thu hoạch, thu gom rơm rạ khỏi đồng làm nấm rơm và phân bón từ rơm, kết hợp bón phân hữu cơ cho lúa...
Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc Hợp tác xã Tiến Thuận cho biết, nhờ áp dụng đồng bộ cơ giới hóa và các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên chi phí sản xuất đầu vào đã giảm từ 15-20% so với trước đây. Đáng chú ý, việc áp dụng cơ giới hóa gieo sạ chính xác bằng máy sạ hàng kết hợp với vùi phân bón đã giúp giảm giống hiệu quả, xuống còn ở mức 60 kg/ha, đồng thời giúp tiết kiệm nhiều chi phí nhân công. Phương pháp canh tác mới này các xã viên hợp tác xã đều có thể áp dụng được nhờ áp dụng mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững (dự án VnSAT) trước đây.
Động viên khuyến khích nông dân tham gia mô hình thí điểm này, ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ phối hợp Viện nghiên cứu lúa quốc tế thưởng tiền cho 38 hộ nông dân canh tác lúa giảm phát thải, trong đó có 30 hộ giảm phát thải dưới 1 tấn CO2/ha và 8 hộ giảm phát thải hơn 1 tấn CO2/ha, với tổng số tiền hơn 20 triệu đồng.
Để thực hiện đề án 1 triệu ha lúa, Cần Thơ lấy kết quả của dự án VnSAT làm nền tảng ban đầu. Đến nay, những diện tích tham gia dự án VnSAT trên địa bàn thành phố đã tập trung cơ cấu giống theo hướng chất lượng cao, đặc sản gần 100%; lượng giống gieo sạ được người dân giảm đáng kể, có những vụ chưa tới 60 kg/ha. Về vấn đề phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng có nguồn gốc sinh học chiếm đến 50%.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, hiện những diện tích lúa Cần Thơ đăng ký tham gia vào đề án 1 triệu ha trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai cũng đã áp dụng tưới ngập khô xen kẽ đạt khoảng 75% diện tích. Ngoài ra, đã có 34 tổ hợp tác của nông dân được thành lập, liên kết với tám doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ được gần 26.000 ha lúa. Bên cạnh đó, các khâu cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch đều đạt từ 90 đến 100%. Đặc biệt, Cần Thơ có đến 30% số cánh đồng đã sử dụng máy bay không người lái áp dụng vào phun thuốc, bón phân, gieo sạ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết, thực hiện hiệu quả đề án 1 triệu ha, giai đoạn từ năm 2024 đến hết năm 2025, Cần Thơ tập trung củng cố, duy trì các hoạt động sản xuất hiệu quả trên diện tích khoảng 38.000 ha với 25 xã tham gia và hỗ trợ phát triển 34 hợp tác xã. Giai đoạn từ năm 2026 đến 2030 tập trung đầu tư cho các khu vực trọng tâm và đạt 50.000 ha theo kế hoạch. Để phục vụ cho đề án, thành phố sẽ tiến hành nạo vét kênh mương, xây dựng thêm trạm bơm điện, xây mới cầu và mở rộng đường giao thông nông thôn để phục vụ hạ tầng kỹ thuật của đề án.
Từ kết quả mô hình thí điểm ở Cần Thơ, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý: Mô hình của đề án này giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị hạt gạo, giảm phát thải và phát triển bền vững khu vực nông thôn.
Cần Thơ và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung phát triển các hợp tác xã, những tổ chức nông dân liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để tiêu thụ lúa gạo bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân và đây cũng là mục tiêu của đề án hướng đến. Vì thế, để đề án thành công cần sự chung tay của người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương cùng đồng hành để thực hiện.
Ngoài ra, cánh đồng lúa phát thải thấp cần áp dụng đồng bộ hóa tất cả các khâu để giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và giảm phát thải khí nhà kính, gắn với tăng trưởng xanh tức là phát triển nông nghiệp tuần hoàn để tận dụng tất cả những phụ phẩm của ngành hàng lúa gạo.