Nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong trồng lúa

Ðồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất của cả nước, cung cấp hơn 50% sản lượng lúa và 90% khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, việc sử dụng phân bón không hợp lý phần nào khiến đất trồng lúa bị suy thoái. Nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón đang là thách thức của vùng.

Mảnh đất Tây Nam Bộ có tiếng về đất đai màu mỡ, nguồn nước ngọt dồi dào với lượng phù sa cung cấp hằng năm nhiều về khối lượng và rất tốt về chất lượng, giúp nhiều cây trồng, nhất là lúa phát triển hiệu quả. Tuy nhiên, với nhiều nông dân ở đây, việc sử dụng đất thế nào để khai thác hết tiềm năng, cũng như việc sử dụng phân bón hợp lý đang là vấn đề.

Ông Nguyễn Quyền (quận Bình Thủy, Cần Thơ) cho biết, nhà ông có khoảng 3 ha lúa. Những năm qua, ông thường xuyên sử dụng các loại phân bón, từ phân đơn đến NPK… Việc bón phân của ông Quyền chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. "Thấy loại phân bón nào hiệu quả thì bón, không hiệu quả thì chuyển chứ tôi cũng không biết chất lượng phân bón thế nào, ảnh hưởng đến đất ra sao", ông chia sẻ.

Chuyện người sử dụng phân bón thế nào phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vẫn là bài toán đau đầu với cơ quan chức năng nhiều địa phương, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Một số địa phương hướng dẫn người dân ứng dụng cơ giới hóa để san phẳng đồng ruộng tạo điều kiện cho cây lúa phát triển đồng đều nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón; cơ giới hóa trong khâu gieo sạ kết hợp với vùi phân để hạn chế việc mất phân bón đạm do bay hơi và nghiên cứu, ứng dụng các loại phân bón chậm tan theo nhu cầu dinh dưỡng từng giai đoạn của cây lúa.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khu vực này trở thành một trong 3 đồng bằng trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, với các vấn đề như nước biển dâng, khai thác thượng nguồn, sụt lún...

Một số chuyên gia cho rằng, việc thâm canh quá mức, tăng vụ, bón phân không cân đối, rơm rạ không được tái sử dụng cùng với xâm nhập mặn, giảm lượng phù sa từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về hằng năm… khiến sản xuất lúa đứng trước rất nhiều thách thức như chi phí tăng cao, hiệu quả chưa tương xứng với đầu tư.

Thực tế sản xuất lúa tại Ðồng bằng sông Cửu Long cho thấy, áp lực thâm canh tăng vụ dẫn đến việc sử dụng phân bón không hợp lý khiến chất lượng đất giảm đi, thậm chí suy thoái. Tại các vùng đất lúa ba vụ ở một số địa phương, nhằm duy trì năng suất, nông dân đã tăng lượng phân bón trên đồng ruộng dẫn đến lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) cho biết, hiện vẫn còn hạn chế cơ sở dữ liệu và phổ cập bón phân đúng trong canh tác lúa; thiếu đồng bộ cơ sở dữ liệu và bón phân theo vùng chuyên biệt. Nông dân làm theo tập quán, chưa có thông tin đầy đủ. Sạ lan, bón phân dư thừa, bón không đúng cách, đúng chỗ. Vùi rơm tươi vào ruộng ngập nước, không kịp phân hủy, gây ngộ độc hữu cơ…

Theo Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà, cây trồng không thể thiếu phân bón, tuy nhiên do việc sử dụng phân hóa học không phù hợp (tức là khi được sử dụng ở cả trạng thái thừa hoặc thiếu) cũng như công nghệ bón phân không đúng cách có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe của đất. Sử dụng phân bón hóa học mất cân bằng có thể thay đổi độ pH của đất; tăng sự tấn công của sâu bệnh, axit hóa lớp vỏ đất, dẫn đến giảm carbon hữu cơ trong đất và các sinh vật hữu ích, kìm hãm sự phát triển và năng suất của cây và dẫn đến phát thải khí nhà kính. Giữa phân bón, đất, biến đổi khí hậu và trồng trọt có mối quan hệ tương hỗ, hữu cơ với nhau. Giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong ngành phân bón, bao gồm cả lĩnh vực sản xuất và sử dụng phân bón có tác dụng tốt tới sức khỏe của đất, năng suất cây trồng.

Theo các chuyên gia, thời gian tới cần tập trung tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân bón hiệu quả cao, phân bón lá và phụ gia ức chế các quá trình phát thải N2O, phụ gia chống mặn, chống ngập lụt; ưu tiên sử dụng các chất có nguồn gốc tự nhiên từ khoáng chất, thực vật; quản lý dinh dưỡng đất một cách khoa học, có các chính sách hợp lý và hài hòa về sản xuất và sử dụng phân bón…

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thanh (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, cần giảm các yếu tố đầu vào không hiệu quả của quá trình canh tác lúa; giảm hàm lượng sử dụng phân bón hóa học ngày càng tăng thêm trên một đơn vị diện tích canh tác; đồng thời nâng cao độ phì nhiêu đất thông qua cải thiện các đặc tính lý, hóa, sinh học đất trong canh tác lúa và tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật công nghệ trong công tác bón phân giúp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón cho cây lúa. Các cơ quan chức năng, địa phương cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi thói quen sử dụng phân bón trên cây lúa theo hướng bảo vệ sức khỏe đất, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất và bảo vệ môi trường; cải thiện hiệu quả hàm lượng lân hữu dụng trong đất để giảm lượng sử dụng lân vô cơ trong canh tác lúa thông qua nâng cao đặc tính lý, hóa và sinh học đất…

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ðăng Nghĩa (chuyên gia nông nghiệp), việc cần làm ngay là canh tác lúa thông minh, bón phân cân đối giữa vô cơ và hữu cơ. Cần bón bổ sung loại than sinh học (Biochar) được sản xuất từ vỏ trấu hoặc rơm rạ, vừa duy trì được độ phì nhiêu vừa tăng thêm sức khỏe đất trồng lúa; tăng chất lượng và mức an toàn cho hạt gạo, giảm khí thải nhà kính và thực hiện được nông nghiệp tuần hoàn (khai thác hiệu quả rơm rạ và vỏ trấu), từ đó sẽ góp phần tăng lợi nhuận cho nông dân.