An Giang có ba con sông lớn cùng hệ thống sông nhỏ và kênh rạch chằng chịt. Tại đây còn nhiều loài cá quý hiếm, nặng hàng trăm ký trở lên như cá hô, cá tra dầu, cá vồ cờ, cá lăn chiên, cá đuối nước ngọt, cá nược. Ngoài ra, rất nhiều loài cá trắng, cá đen có giá trị kinh tế cao như: Chạch lấu, chạch bông, leo, sủ, hú, ba sa, sát ốc, cóc, trèn bầu, trèn răng, lưỡi trâu, linh, lóc, rô đồng, thác lác... Nhưng từ năm 1996 về sau, một số loài cá lớn lần lượt biến mất, các loài khác bị đe dọa số lượng.
Chi Cục trưởng Thủy sản tỉnh An Giang Trần Anh Dũng cho biết, trước nguy cơ cạn kiệt nguồn cá, năm 2012, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xây dựng kế hoạch thả cá từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Các loại cá giống được thả là cá bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế gồm: ba sa, bống tượng, chày, chép, cóc, chạch lấu, ét, he, hô, hú, lăng, mè hôi, mè trắng, mè vinh, thát lát cườm, tra dầu, trôi, vồ cờ, vồ đém... Việc thả cá về tự nhiên nhằm góp phần bổ sung quần đàn, tạo cân bằng sinh thái, đa dạng giống loài. Đây cũng là hoạt động mang tính nhân văn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường và tăng cường đa dạng sinh học.
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh phối hợp Ủy ban nhân dân huyện An Phú thả hơn 63.000 con cá giống xuống búng Bình Thiên; phối hợp Ủy ban nhân dân thị xã Tịnh Biên thả 5.000 con cá giống xuống kênh Trà Sư. Búng Bình Thiên là hồ nước lớn tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long và nằm đầu nguồn tiếp giáp sông Bình Di nên như một “cái phễu” hứng cá tôm. Búng có đủ các loại tôm cá trên sông Cửu Long nhưng theo thời gian và nhiều tác động tự nhiên, “kho cá” ngày nào giờ chỉ còn một số loài như hô đất, lăn, lòng tong, chốt, tôm tép...
Để bảo vệ đàn cá sau khi thả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cùng chính quyền địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như phổ biến cho ngư dân mục đích, ý nghĩa của việc thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản; tuyên truyền vận động ngư dân không đánh bắt vào thời gian trước, trong và sau thả cá; hướng dẫn lựa chọn đối tượng cá, quy trình kỹ thuật thả cá. Chính quyền địa phương yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảnh sát giao thông đường thủy kết hợp các xã, phường khu vực thả cá tăng cường tuần tra, kiểm tra; kịp thời ngăn chặn tình trạng đánh bắt thủy sản trái phép, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không tuân thủ quy định.
Ông Phạm Văn Dũng, chuyên nghề đánh cá, ở phường Nhơn Hưng, thị xã Tịnh Biên rất vui mừng khi hay tin ngành nông nghiệp thả cá quý hiếm, giá trị kinh tế cao về kênh Trà Sư. Ông cho biết, Tịnh Biên với nhiều con kênh rạch và đồng ruộng bạt ngàn nên cá tôm vô số. Nhắc đến cá chày được thả tái tạo, ông kể: Lúc trước dỡ chà, cá chày, cá cóc, cá leo nhiều lắm. Cá chày mê mồi nhền nhện còn sống nên dùng nhền nhện câu dính cá chày nặng hơn 5 kg. Nhưng cá chày xương chữ y, ăn hay bị mắc xương, nên ít ai ăn dù kho lạt ngon. Bây giờ dỡ chà hay kéo lưới hiếm thấy chúng. Theo ông Dũng, từ năm 2012 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh duy trì phối hợp Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản với quy mô cấp tỉnh từ nguồn vận động các tổ chức và cá nhân, nhà hảo tâm đóng góp. Bên cạnh đó, tại đây còn diễn ra hoạt động thả cá của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Ban đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh, tín đồ phật tử và người dân trên địa bàn. Kết quả, trong 12 năm liên tiếp, địa phương tổ chức 23 đợt thả cá gồm 2 đợt cấp khu vực, 3 đợt cấp tỉnh, 1 đợt phối hợp Cục Kiểm ngư và 17 đợt cấp huyện. Tổng lượng cá thả khoảng hơn 5 triệu con cá giống tương ứng với 94.080 kg. Đáng chú ý, trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản cấp khu vực tại đoạn sông Hậu nơi tiếp giáp 3 tỉnh An Giang-Đồng Tháp-Cần Thơ. Năm 2023, An Giang tham gia cùng thành phố Cần Thơ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Hậu liên tỉnh An Giang-Cần Thơ-Đồng Tháp. Dự kiến trong năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang sẽ phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ thực hiện thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản cấp khu vực tại Đồng Tháp.
Nói về tình trạng cạn kiệt cá tôm, ngư dân Phạm Văn Dũng giải thích: Ngày xưa, ngư dân đánh bắt bằng các ngư cụ truyền thống nên tôm cá còn sinh sôi. Về sau, một số người bất chấp sử dụng lưới loại mắt lưới nhỏ, xuyệt điện, xung điện nên cá lớn, cá bé bị diệt sạch. Ngay như cá lăn, cá chốt nhỏ xíu bằng ngón út, thịt thà chưa có nên không ai ăn, ngư dân bèn bán làm thức ăn cho cá nuôi với giá rẻ mạt vài ngàn đồng một ký. Việc thả cá rất cần thiết để tái tạo bầy đàn, nhưng bên cạnh đó, ngư dân cần có ý thức hơn trong việc đánh bắt như cần dùng lưới, câu truyền thống để cá tôm còn sinh sản.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và sự xuất hiện của các đập thủy điện trên sông Mê Công, mùa nước nổi không còn như xưa; đồng ruộng nhiều nơi làm lúa vụ 3 cũng tác động đến sự di cư, sinh sản của cá. Loài cá đã bị cắt giảm không gian sống, nay nếu ngư dân cứ đánh bắt cá non thì cá sẽ không còn. Hoạt động thả cá đã phần nào tái tạo nguồn thủy sản cho các sông ngòi đang cạn dần tôm cá. Trong định hướng, ngành thủy sản tiếp tục duy trì hoạt động thả cá hằng năm; kêu gọi ngư dân cùng chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản như đánh bắt bằng ngư cụ bảo đảm quy định của pháp luật; không đánh bắt bừa bãi, khai thác thủy sản trái phép; không mua bán, sử dụng cá con làm thực phẩm. Bảo vệ nguồn cá tự nhiên cũng là bảo đảm phát triển bền vững nghề cá ■