Từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra liên tiếp 5 vụ sạt lở khiến hàng chục hộ dân mất nhà, lâm vào cảnh khốn đốn. Mới nhất, vụ sạt lở vào cuối tháng 9 đã khiến 12 căn nhà của các hộ dân trên địa bàn thị xã Giá Rai bị sụp xuống sông, gần 30 căn nhà khác bị rạn nứt và có nguy cơ “trôi” xuống sông bất cứ lúc nào.
Theo Trưởng phòng Kinh tế thị xã Giá Rai Huỳnh Thanh Toàn, một trong những nguyên nhân chính làm cho các vụ sạt lở ngày càng nghiêm trọng có thể do ảnh hưởng của dòng chảy và do việc nạo vét kênh xáng Cà Mau-Bạc Liêu, đoạn từ cầu Định Thành đến cầu Cây Gừa. Sạt lở tập trung nhiều ở địa phận xã Tân Phong.
Ông Trần Văn Lực, một trong những hộ dân có nhà bị sạt lở xuống sông, chia sẻ: “Gia đình tôi sống nhiều năm ở xã Tân Phong. Trước khi nhà bị sạt lở xuống sông, chúng tôi phát hiện có nhiều vết rạn nứt, nhất là phía sau nhà, nơi sát mé sông. Ít ngày sau, toàn bộ phần nhà sau của gia đình tôi bị sụp xuống sông. Gia đình tôi đã cảnh giác không đặt giường ngủ phía sau nhà nên không có ai bị ảnh hưởng. Nhiều năm nay, gia đình tôi cũng như hàng chục hộ dân sống ven khu vực sạt lở luôn trong tâm trạng bất an”.
Bà Du Thị Chi cũng ở xã Tân Phong, cho biết: “Hằng năm, nhất là những tháng mùa mưa bão, chính quyền địa phương đều cảnh báo tình trạng sạt lở khu vực hai bên bờ sông. Hầu hết các hộ dân nơi đây đều nghèo khó, “lực bất tòng tâm”, không có điều kiện dời nhà, buộc lòng phải ở tạm. Lúc xây dựng, nhà nào cũng gia cố phần móng rất kiên cố, vậy mà, cả dãy nhà ở đây đã sụp xuống sông. Sức nước quá mạnh, có thể do ảnh hưởng thay đổi của dòng chảy sông Bạc Liêu-Cà Mau…”.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Giá Rai Đỗ Minh Thắng cho biết, tình trạng sạt lở bờ sông, nhất là tại khu vực Phường 1 và xã Tân Phong, ở mức báo động và đây luôn là sự quan tâm thường xuyên của lãnh đạo thị xã. Khó khăn nhất hiện nay là địa phương không có kinh phí hỗ trợ các hộ dân di dời đến nơi an toàn. Thị xã đã nhiều lần kiến nghị tỉnh quan tâm và tỉnh Bạc Liêu đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí xây dựng tuyến bờ kè hai bờ sông thuộc địa phận thị xã Giá Rai. Nhưng đến nay, vẫn còn đang chờ các bộ, ngành Trung ương quyết định. Những năm trước, sạt lở chủ yếu diễn ra vào mùa mưa. Năm nay, dù mùa mưa bão, hay mùa nắng, tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu nói chung, thị xã Giá Rai nói riêng vẫn diễn ra phức tạp, bất thường…
Mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ nam tuyến kênh xáng Bạc Liêu-Cà Mau. Theo đó, đoạn từ cầu Giá Rai đến cầu Trần Văn Sớm thuộc địa bàn khóm 4 và khóm 5, Phường 1, thị xã Giá Rai, bị sạt lở hơn 1.100 m. Khu vực sạt lở có hơn 140 hộ dân, gần chợ Giá Rai và Trường mầm non Sơn Ca 2.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu yêu cầu Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh tiếp tục phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Ủy ban nhân dân thị xã Giá Rai theo dõi chặt chẽ diễn biến để kịp thời ứng cứu, xử lý. Ủy ban nhân dân thị xã Giá Rai tổ chức ngay việc kiểm tra, khoanh vùng khu vực bị sạt lở, thiết lập hành lang an toàn; lắp đặt biển báo, ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở. Cùng với đó, triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn tính mạng của người dân, học sinh, công trình khu vực bị ảnh hưởng và các biện pháp cần thiết khác để ứng phó với tình huống khẩn cấp...
Theo nhiều cán bộ và nhân dân trong khu vực sạt lở, tình trạng sạt lở ngày càng gia tăng, mức độ ngày một nghiêm trọng và bất ngờ. Với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu không được xử lý kịp thời, nguy cơ sạt lở sẽ tiếp tục đe dọa các khu dân cư tập trung và nhiều công trình, trường học..., gây thiệt hại lớn về kinh tế, làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của nhiều hộ dân.
Người dân mong muốn chính quyền các cấp quan tâm hơn nữa, có các biện pháp căn cơ, lâu dài, đầu tư xây dựng kiên cố bờ kè hai bờ sông. Đồng thời, có dự án di dời những hộ trong vùng sạt lở đến nơi ở mới, giúp bà con an tâm, có cuộc sống yên bình, không còn sống trong cảnh nơm nớp lo âu nhà bị sạt lở xuống sông như thời gian qua… ■