Đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi

Hậu Giang là vùng đất trũng, thấp, sản xuất nông nghiệp thường chịu nhiều tác động, rủi ro bởi các hình thái tiêu cực của biến đổi khí hậu. Từ thực tế, nhiều công trình thủy lợi đã được đầu tư, góp phần giúp người dân chủ động trong điều tiết nguồn nước, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu…
0:00 / 0:00
0:00
Vận hành trạm bơm Kênh Xéo ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
Vận hành trạm bơm Kênh Xéo ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, toàn tỉnh hiện có hơn 74.000 ha đất sản xuất lúa; hơn 45.000 ha vườn cây ăn trái; hơn 24.000 ha rau màu; hơn 3.000 ha mía và hơn 10.000 ha nuôi trồng thủy sản.

Nhằm bảo đảm nguồn nước tưới tiêu, hằng năm, tỉnh đều có kế hoạch nạo vét, khơi thông dòng chảy gắn với gia cố đê bao 27 tuyến kênh cấp 1; 266 tuyến kênh cấp 2; 558 tuyến kênh cấp 3 và rất nhiều tuyến kênh nội đồng.

Đến nay, hơn 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại Hậu Giang đã được tưới tiêu chủ động. Trên địa bàn tỉnh có khoảng 900 khu vực khép kín với quy mô từ 100 đến 300 ha.

Tỉnh đầu tư hơn 130 trạm bơm điện, bảo đảm phục vụ hơn 30.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất và thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở các địa phương.

Về hạ tầng phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, Hậu Giang có hai tuyến đê bao chính; trong đó, tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ-Vị Thanh có tổng chiều dài 62 km với 30 cống hở và 18 cống tròn, phục vụ 24.000 ha đất nông nghiệp. Còn tuyến đê bao tiểu dự án Ô Môn-Xà No có tổng chiều dài 41 km với 54 cống hở và một cống tròn, phục vụ 12.800 ha đất nông nghiệp.

Ngoài ra, hệ thống cống ngăn mặn Nam Xà No giúp ngăn mặn, trữ nước ngọt và điều tiết lũ, phục vụ khoảng 20.000 ha. Các công trình này đều vận hành tốt.​

Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Hậu Giang Trần Thanh Toàn cho biết, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh từng bước được hoàn thiện, góp phần nâng cao năng lực tiêu thoát nước, chống lũ, chống ngập và xâm nhập mặn.

Để bảo đảm an toàn sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã tập trung củng cố, kiện toàn đơn vị quản lý các công trình thủy lợi duy tu, sửa chữa, vận hành, khai thác các cống, đập, trạm bơm bảo đảm phục vụ tốt công tác ứng phó mưa lũ, triều cường, xâm nhập mặn vào mùa khô.

Các địa phương cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân chủ động gia cố cống, đập, bờ bao; vận động nông dân vùng trũng, thấp tuân thủ đúng lịch thời vụ sản xuất; tiếp tục nhân rộng các mô hình nuôi trồng phù hợp, thích ứng biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Toàn huyện Long Mỹ hiện có hơn 30 trạm bơm điện phục vụ hơn 8.900 ha đất sản xuất nông nghiệp. Các trạm bơm luôn sẵn sàng hỗ trợ tiêu, thoát nước trong tình huống khẩn cấp do mưa, lũ, triều cường.​ Điển hình như công trình cống kết hợp trạm bơm Kênh Xéo ở Ấp 8, xã Lương Nghĩa, nằm ở khu vực ven tuyến đê bao Long Mỹ-Vị Thanh, được đầu tư năm 2022.

Ông Trần Văn Đầy, Giám đốc Hợp tác xã Thành Đô ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ (đơn vị vận hành cống Kênh Xéo) cho biết, việc tiêu thoát nước vào mùa mưa nhanh chóng, rút ngắn hơn 50% thời gian so với máy bơm công suất nhỏ mà hợp tác xã sử dụng trước kia.

Nhờ vậy, khoảng 200 ha lúa ở đây luôn được bảo vệ an toàn, nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ, thu hoạch đồng loạt, mùa vụ đạt năng suất cao…

Tỉnh Hậu Giang đang triển khai thực hiện dự án nạo vét kênh trục, gồm kênh trục Nàng Mau 2 với chiều dài khoảng 28 km và kênh trục Hậu Giang 3 với chiều dài khoảng 43,7 km; xây mới 21 cống điều tiết nước trên tuyến Nàng Mau 2.

Dự án này được thực hiện trong giai đoạn 2022-2025, tổng kinh phí khoảng 320 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và của địa phương.

Đây là công trình trọng điểm, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Hậu Giang, phù hợp Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng với hệ thống thủy lợi hiện có, dự án này sẽ giúp tăng khả năng dẫn nước ngọt, trữ nước ngọt tạo nguồn để cấp cho khoảng 22.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân trong vùng, cải thiện giao thông đường thủy.

Tuy nhiên, hiện một số công trình thủy lợi ở Hậu Giang đã xuống cấp, mặt đê hư hỏng, các cống vận hành khó khăn...

Chi cục Thủy lợi tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang xây dựng Đề án phát triển hạ tầng thủy lợi trên địa bàn.

Đây sẽ là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước, các cấp, ngành đầu tư theo lộ trình, quy mô phù hợp nguồn lực và điều kiện tự nhiên; bảo đảm tính khoa học, sự đồng bộ để phục vụ đời sống, sản xuất của người dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp…