Sớm khai thác thị trường tín chỉ carbon

Năm 2023 đánh dấu cột mốc, lần đầu tiên Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới, tổng giá trị thu về lên tới 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng). Tỉnh Cà Mau hiện có hơn 143.000 ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp; trong đó, diện tích có rừng tập trung khoảng 94.000 ha, với 3 hệ sinh thái đặc trưng là rừng tràm, rừng cụm đảo và rừng ngập mặn. Rừng ngập mặn ven biển và rừng tràm U Minh Hạ chiếm số nhiều, có tiềm năng lớn trong hình thành, phát triển thị trường tín chỉ carbon.
0:00 / 0:00
0:00
Trồng rừng ngập mặn ven biển Cà Mau góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính.
Trồng rừng ngập mặn ven biển Cà Mau góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính.

Theo Tiến sĩ Hồ Vũ Khanh, Trưởng nhóm Nghiên cứu đánh giá lưu trữ carbon, Bộ môn Khoa học và Môi trường (Trường đại học Cần Thơ), tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải khí nhà kính, đồng nghĩa với giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng; tái tạo thảm thực vật… “Tuổi cây rừng càng lớn thì tín chỉ carbon càng cao. Ước tính, mỗi héc-ta rừng có thể khai thác hàng trăm tấn carbon mỗi năm, tạo nguồn thu không nhỏ nếu xuất khẩu thành công. Chủ rừng có thể quy đổi lượng hấp thụ khí CO2 từ diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra tín chỉ carbon. Tín chỉ này có thể trao đổi, mua bán trên thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính như một loại hàng hóa”, Tiến sĩ Khanh chia sẻ.

Gần đây, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC) cùng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức Chương trình Cà-phê kết nối doanh nghiệp, với chủ đề “Tiềm năng thị trường mua bán tín chỉ carbon tại tỉnh Cà Mau”. Tại đây, theo phân tích của một số doanh nghiệp và chuyên gia, trên thị trường hiện có hơn 170 loại tín chỉ carbon. Các loại hình tín chỉ này được tạo ra thuộc 8 nhóm lĩnh vực, như: Các dự án lâm nghiệp và sử dụng đất; năng lượng tái tạo; xử lý rác thải; tiết kiệm năng lượng và chuyển đổi nhiên liệu đầu vào... Theo Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau Lê Văn Dũng, rừng không chỉ là đặc trưng riêng mà còn là một trong nhiều ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Thời gian qua, Cà Mau triển khai không ít dự án trồng và phát triển rừng kết hợp với chống xói lở vùng ven biển, góp phần cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu. Các dự án nêu trên của tỉnh không chỉ phục vụ địa phương mà còn mang lại giá trị cho cộng đồng, góp phần giảm phát thải nhà kính nhưng chưa có dự án nào được hưởng lợi từ việc trao đổi thị trường tín chỉ carbon.

Nghị định số 06/2022/NÐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước chia thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2 từ năm 2028, sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon đại trà trong toàn quốc; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phan Hoàng Vũ cho hay, trong giai đoạn đầu, Cà Mau không thuộc tỉnh nằm trong đề án thí điểm theo nghị định này mà phải chờ đến năm 2028. “Trong thời gian chờ, ngành nông nghiệp tỉnh được giao xây dựng đề án rà soát tổng thể rừng tại địa phương, qua đó tính toán xem lượng tín chỉ carbon được bao nhiêu, cùng với một số khung pháp lý có liên quan. Mọi thứ phải chuẩn bị sẵn, chờ khi có chủ trương của Chính phủ, Cà Mau sẽ xúc tiến việc trao đổi thị trường tín chỉ carbon theo quy định”, ông Vũ nói.

Thị trường carbon là nơi diễn ra các giao dịch về việc mua bán, trao đổi tín chỉ carbon giữa các công ty, đơn vị, tổ chức hoặc giữa các quốc gia, tạo nguồn lực thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon. Những công ty, doanh nghiệp gây ô nhiễm được quy định hạn mức thải CO2 nhất định, nếu muốn thải quá hạn mức thì phải mua thêm hạn mức thông qua tín chỉ carbon. Tuy nhiên, việc mua, bán, trao đổi này đang gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý, hướng dẫn kỹ thuật quy định chi tiết về chuyển nhượng chia sẻ lợi ích, định giá xác định tín chỉ carbon…

Tháo gỡ những khó khăn nêu trên, ngoài nỗ lực của địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hoàn thiện khung pháp lý về kiểm đếm, chứng nhận giao dịch về tín chỉ carbon để các địa phương, trong đó có tỉnh Cà Mau thực hiện, nhằm phát huy tốt tiềm năng kinh tế rừng. Một khi khai thác được thị trường tín chỉ carbon rộng rãi, Cà Mau không chỉ tạo thêm sinh kế, thu nhập cho người dân sinh sống dưới tán rừng mà có thêm nguồn lực đáng kể phục vụ công tác quản lý, trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước đầu tư vào ngành lâm nghiệp.

Để biến tiềm năng carbon rừng thành hàng hóa, việc xây dựng, vận hành thị trường tín chỉ carbon cần được sớm xúc tiến. Ðây cũng là yếu tố quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ■