Cần bảo vệ bền chắc tuyến đê ven biển

Hơn 10 năm qua, năm nào ở tỉnh Bạc Liêu cũng xảy ra hàng loạt vụ sạt lở tại tuyến đê biển Đông. Từ năm 2023 đến nay, tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, cần có các giải pháp đồng bộ, phù hợp để bảo vệ bền chắc tuyến đê biển này.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh và thành phố Bạc Liêu khảo sát thực tế điểm thường xuyên bị sạt lở ở tuyến đê biển Đông.
Lãnh đạo tỉnh và thành phố Bạc Liêu khảo sát thực tế điểm thường xuyên bị sạt lở ở tuyến đê biển Đông.

Những ngày đầu tháng 8, tuyến đê ven biển đoạn thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, đoạn giáp ranh tỉnh Sóc Trăng, liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở tại hai đoạn, dài hơn 100m, có đoạn ăn sâu vào chân đê. Đoạn đê tiếp giáp cầu Chiên Túp 1 dài 50m, bị sạt lở 5m, sâu 1,5m; đoạn từ cầu Chiên Túp 1 hướng về Sóc Trăng dài 50m, bị sạt lở 10m, sâu 1,5m…

Ông Lai Thanh Ẩn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến khu vực nêu trên thường xuyên bị sạt lở là do không còn nhiều cây rừng phòng hộ. Đáng chú ý là, vào mùa gió chướng, khi triều cường dâng cao kết hợp gió mạnh tạo thành các con sóng lớn “đánh” trực tiếp vào thân đê, gây sạt lở mái đê, thân đê và đẩy nước biển qua đê, tràn vào khu vực sản xuất và nhà dân phía trong.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, thống kê đến giữa tháng 8/2024, trên địa bàn tỉnh có 77 khu vực sạt lở bờ sông, 6 khu vực sạt lở bờ biển với tổng chiều dài hàng trăm ki-lô-mét. Tỉnh xác định có 50 danh mục dự án, công trình cần đầu tư đến năm 2030 với tổng dự toán khoảng 28.000 tỷ đồng.

Tỉnh Bạc Liêu đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét hỗ trợ cho tỉnh 3.436 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư tại 5 khu vực sạt lở xung yếu, cấp bách và phòng chống triều cường, bảo vệ sản xuất với tổng chiều dài là 79,674 km.

Trong đó, có những dự án rất quan trọng như: Xây dựng đoạn kè G6 ở thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, dài 3 km; xây dựng kè bờ sông Cà Mau-Bạc Liêu khu vực thị xã Giá Rai, dài 5 km; xây dựng kè hai bên bờ kênh 30/4 thuộc phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, dài 5,2 km...

Việc sạt lở tuyến đê ven biển ở Bạc Liêu được xác định do thay đổi của dòng chảy ven bờ và tác động của thủy triều… Theo các chuyên gia thủy lợi và nhiều hộ dân sống lâu năm tại đây, thực tế còn có nguyên nhân khác là do diện tích rừng phòng hộ ven biển ngày càng bị “teo” lại.

Mấy năm qua, việc phát triển kinh tế nhanh, nhất là sự xuất hiện của nhiều dự án điện gió nhưng việc bảo vệ thảm rừng phòng hộ chưa được quan tâm đúng mức. Một số doanh nghiệp được chính quyền giao đất thực hiện dự án điện gió đã đào đất rừng phòng hộ để mở đường vận chuyển phương tiện, vật liệu, thiết bị thi công ngoài khơi khiến không ít diện tích rừng phòng hộ quý giá bị chết trắng.

Cá biệt, có công ty điện gió xây dựng nhà, các công trình thu hút du lịch ngay trên đất rừng phòng hộ ven biển tại khu vực gần trụ sở Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình nhưng không được chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Anh Nguyễn Tâm Phúc ở xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình cho biết: “Tôi làm nghề nuôi tôm ở vùng ven biển Hòa Bình này đã hơn 30 năm nay và chứng kiến nhiều vụ sạt lở rất nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tai họa này là do diện tích trồng cây mắm, cây đước ngày một giảm; có khu vực cây rừng bỗng nhiên bị chết trắng. Theo chúng tôi, tình trạng này là do một đơn vị làm điện gió và hộ dân nuôi tôm đã tùy tiện đào kênh, mương lấy nước nuôi tôm và dựng nhà ở trong khu vực rừng phòng hộ…”.

Thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nhiều dự án, công trình phòng chống xâm thực bờ biển như kè chống sạt lở cửa biển và tuyến đê ven biển ở khu vực phường Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu); khu vực cửa biển cống Cái Cùng (huyện Hòa Bình); cửa biển thị trấn Gành Hào (huyện Ðông Hải)… với tổng chiều dài hàng nghìn mét, có kết cấu bê-tông cốt thép, mái kè nghiêng, tổng kinh phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng do Trung ương đầu tư. Thế nhưng với thực trạng như nêu trên thì việc đầu tư nguồn kinh phí rất lớn như vậy không tránh khỏi lãng phí và công trình thì vẫn khó phát huy hiệu quả bền vững.

Theo các nhà khoa học, muốn chống xói lở, tạo bồi tụ bờ biển đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ và toàn diện nhiều giải pháp. Trong đó có “giải pháp mềm” như đặt các đê phá sóng ngoài khơi (không phải xây dựng bằng bê-tông, cốt thép) và nhất là cần quan tâm đẩy mạnh thực hiện dự án trồng rừng ngập mặn tạo “lá chắn mềm” rất hiệu quả trong việc ngăn chặn sóng lớn từ Biển Đông tác động trực tiếp vào chân đê. Nếu không chú trọng bảo vệ, chăm sóc, trồng mới thay thế một số diện tích rừng đã bị mất thì tuyến đê ven biển nơi đây khó có thể bảo vệ vững chắc, lâu dài…