Sản xuất “thuận thiên” để phát triển bền vững

Góp phần tạo sự ổn định bền vững trong sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai các mô hình sản xuất theo hướng thuận tự nhiên, nổi bật là mô hình lúa-tôm.
0:00 / 0:00
0:00
Hộ nuôi được hỗ trợ, đào tạo tập huấn.
Hộ nuôi được hỗ trợ, đào tạo tập huấn.

Tại Cà Mau có mặt hàng tôm hữu cơ được nuôi ở những cánh đồng trồng lúa kết hợp nuôi tôm. Theo đó, trong sáu tháng mùa khô, nông dân nuôi tôm và nhiều loài thủy sản; còn trong sáu tháng mùa mưa, người dân lại rửa mặn đồng nuôi tôm để trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh.

Đây là mô hình canh tác nông nghiệp độc đáo, thông minh lại rất thuận tự nhiên. Trong quá trình cải tạo đất từ mặn sang ngọt để trồng lúa, nhiều mầm bệnh gây hại cho tôm sẽ không sống được. Ngược lại, sau vụ nuôi tôm, các chất thải của tôm sẽ được bộ rễ cây lúa hấp thụ.

Sau khi thu hoạch lúa, một lượng sinh khối lớn thân và rễ lúa phân hủy, kích thích sự phát triển của phiêu sinh vật làm thức ăn cho tôm; nhờ đó, nhà nông không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm được chi phí khá lớn về phân bón, sản phẩm tạo ra thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng, phù hợp xu hướng tiêu dùng nông sản sạch của thế giới.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau Nguyễn Hoàng Bạo cho biết, đây là hướng đi được UBND huyện chọn nhân rộng ra các xã, cùng với đó là phối hợp các doanh nghiệp thu mua, bao tiêu sản phẩm; đồng thời, tổ chức tập huấn hỗ trợ nông dân kiến thức sản xuất những sản phẩm hữu cơ.

Nhiều năm qua, việc luân canh lúa-tôm được 17 thành viên của Hợp tác xã lúa-tôm Trí Lực ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình thực hiện với tổng diện tích 50 ha.

Ðến nay, toàn bộ diện tích canh tác đã được công nhận lúa hữu cơ; tôm sú được nuôi dưới đồng lúa hữu cơ cũng được cấp chứng nhận đạt chuẩn ASC Group.

Khi được công nhận, nông sản được bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn nhiều so với mặt bằng chung; nhờ đó, hộ xã viên có thu nhập cao hơn mức trung bình khoảng 150 triệu đồng/ha/năm.

Ông Nguyễn Thanh Kiện, xã Trí Lực, huyện Thới Bình cho biết, trước đây canh tác không hiệu quả, nhưng từ lúc được sự hỗ trợ của địa phương, cùng với sự hướng dẫn, tập huấn của doanh nghiệp Minh Phú là doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, cho nên đã cải thiện được rất nhiều trong sản xuất, người dân rất yên tâm, phấn khởi.

Cùng với lúa-tôm thì mô hình kinh tế dưới tán rừng, nhất là nuôi tôm dưới tán rừng tại các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn và Ðầm Dơi được xem là hình thức sản xuất hiệu quả, gần gũi với tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó tác động của biến đổi khí hậu, tạo sinh kế bền vững.

Không dừng lại chỉ ở con tôm, hiện nay người dân còn nuôi kết hợp con sò, con cua dưới tán rừng phù hợp với hệ sinh thái, nhằm tạo ra những sản phẩm đặc trưng, giảm thiểu rủi ro sản xuất độc canh, gia tăng thu nhập.

Tại Cà Mau, đến nay, diện tích nuôi tôm nước lợ phát triển lên gần 280.000 ha, chiếm khoảng 45% diện tích nuôi tôm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và khoảng 40% diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước.

Ngành tôm Cà Mau chi phối đời sống của khoảng hơn 50% dân số trong tỉnh. Giải pháp của ngành chức năng tỉnh đề ra hiện nay là mở rộng không gian kinh tế mang tính liên kết vùng, tạo thành chuỗi ngành hàng.

Theo đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất thuận theo tự nhiên, xác định chính xác mô hình sản xuất phù hợp thực tiễn tại các địa phương, tạo lập cơ chế liên kết bền chặt.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, sản xuất thuận thiên là địa phương sẽ chọn lựa giải pháp thích ứng trước những khắc nghiệt của khí hậu, không phải cứ duy trì cách làm cũ mà sẽ thay đổi, tìm phương pháp để thích ứng như mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng khi vừa bảo đảm sản phẩm đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn duy trì được hệ sinh thái.

Cùng với đó là lúa-tôm, khai thác tối đa hệ thống thủy lợi của địa phương, đồng thời chủ động hoàn thiện hệ thống thủy lợi để nâng sản lượng.

Tại Bạc Liêu, tận dụng lợi thế 3 vùng sản xuất mặn, ngọt và lợ, tỉnh đã và đang khuyến khích các hộ chuyên sản xuất tôm và chuyên trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang áp dụng mô hình lúa-tôm; bởi đây là mô hình được nông dân áp dụng từ hơn 20 năm nay và được xác định là thích ứng khá tốt với biến đổi khí hậu.

Hiện nay nông dân trong tỉnh đang thực hiện mô hình này trên 2 đối tượng: Tôm càng xanh xen lúa và luân canh tôm sú-lúa. Có thể nói, lúa-tôm là mô hình sản xuất phù hợp với khả năng của đa số hộ nông dân trong vùng và cho hiệu quả kinh tế cao.

Huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu có hơn 15.000 ha lúa-tôm. Với mô hình này, nông dân thu hoạch trên 3.000 ha, năng suất đạt 8-10 tấn/ha. Riêng tôm càng xanh năng suất đạt hơn 250-300 kg/ha.

Đạt hiệu quả cao trong sản xuất, ngoài các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” còn có vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp địa phương trong việc chủ động bố trí khung lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa thích nghi và làm tốt việc dự báo, thông báo tình hình liên quan đến sản xuất.

Ông Võ Thanh Sơn ở thị trấn Phước Long, huyện Phước Long cho biết, việc địa phương tìm giống lúa chống chịu được độ mặn cao phù hợp với vùng đất đã giúp người dân rất nhiều, cùng với đó là sự quan tâm của ngành nông nghiệp trong việc tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi trồng.

Tuy đạt được nhiều hiệu quả nhưng sự phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước không ít khó khăn như tác động của biến đổi khí hậu-nước biển dâng; những hoạt động phát triển của nội tại trên đồng bằng…; dẫn đến những thách thức về an ninh nguồn nước, ngập nước, suy thoái đồng bằng,…

Vì thế, Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đã mở ra nhiều cơ hội cho đồng bằng phát triển theo hướng thuận theo tự nhiên.

Các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất theo hướng thuận theo tự nhiên, xác định chính xác mô hình sản xuất phù hợp thực tiễn tại các địa phương, tạo lập cơ chế liên kết.

Những thành công bước đầu cùng với sự đồng thuận cao của người dân và quyết tâm lớn của chính quyền cho thấy, khát vọng sản xuất theo hướng thuận theo tự nhiên được lựa chọn là hướng đi xuyên suốt trong quá trình phát triển thích ứng.