Đến thời điểm này, Hội đồng nhân dân thành phố đã thực hiện 63/64 nội dung theo Chương trình công tác số đã đề ra từ đầu năm 2023. Trong đó có một nội dung được điều chỉnh tiến độ cho phù hợp và 38 nội dung công việc phát sinh theo chỉ đạo của Trung ương và yêu cầu thực tiễn của thành phố.
Hội đồng nhân dân các cấp thành phố đã tổ chức 105 kỳ họp thường lệ, 330 kỳ họp chuyên đề. Việc tổ chức các kỳ họp tiếp tục đổi mới, thực chất và hiệu quả, kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương. Trong đó có nhiều nội dung rất quan trọng: Kế hoạch đầu tư công, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án, chính sách phát triển nông nghiệp, danh mục thu hồi đất triển khai thực hiện đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô; các biện pháp để tập trung đẩy nhanh việc xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai…
Qua đó, Hội đồng nhân dân thành phố đã kịp thời thể chế hóa, ban hành các cơ chế, chính sách và thực hiện tốt các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm đúng quy định, sát với thực tiễn và yêu cầu phát triển của Thủ đô.
Ðáng chú ý, hoạt động chất vấn, giải trình được tổ chức theo hướng thẳng thắn, nghiêm túc, thực chất, trách nhiệm và hiệu quả. Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức phiên chất vấn về việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố.
Ðây là phiên chất vấn đầu tiên của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố khóa 16 thực hiện theo Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân và Ðề án số 15 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với việc thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn”.
Phiên chất vấn đã diễn ra dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm, xây dựng, thực chất và hiệu quả với 21 lượt đại biểu phát biểu chất vấn và tranh luận, làm rõ các vấn đề. Qua đó đã cho thấy nhiều kết quả đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đồng thời cũng làm rõ nguyên nhân, những vấn đề còn hạn chế, vướng mắc trong việc ban hành cơ chế, chính sách đến việc tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách trong quản lý nhà nước về đất đai, sản xuất nông nghiệp.
Ðặc biệt, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 12 mới được tổ chức, các đại biểu đã tập trung chất vấn, tái chất vấn hai nhóm vấn đề, trong đó có công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước thuộc thành phố Hà Nội.
Ðây là những nội dung quan trọng, thiết thực, đang được thành phố tập trung chỉ đạo, được đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm. Phiên chất vấn đã có 40 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn cũng như tranh luận để làm rõ các vấn đề. Có ba Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, 13 giám đốc sở, ban, ngành và năm Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện đã tham gia trả lời, báo cáo, giải trình những nội dung liên quan.
Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội
Cùng với đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã báo cáo, tiếp thu, giải trình và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu và trả lời rất thẳng thắn, rõ nội dung và cam kết để chỉ đạo thành viên Ủy ban nhân dân cũng như các đơn vị để thực hiện có kết quả các nội dung đã đặt ra, đồng thời khắc phục những tồn tại, làm sao để có được kết quả tốt nhất trong thời gian tới. Ðây là kỳ họp có đông đại biểu là thành viên Ủy ban nhân dân tham gia nhất, và các ý kiến trả lời rất trách nhiệm, có sức lan tỏa trong hệ thống chính trị- đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài tổ chức thành công kỳ họp chuyên đề, Hội đồng nhân dân thành phố còn thực hiện tốt hoạt động giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri và tiếp công dân. Cùng với đó, công tác giám sát cũng được Hội đồng nhân dân các cấp chú trọng nâng cao hiệu quả. Ðối với một số nội dung giám sát quan trọng, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố đã mời các chuyên gia có kinh nghiệm về lĩnh vực tham gia đoàn giám sát.
Công tác chuẩn bị phục vụ giám sát được thực hiện kỹ, kết luận giám sát nêu rõ kết quả đạt được, hạn chế yếu kém, nguyên nhân, trách nhiệm, biện pháp và thời gian khắc phục. Quá trình theo dõi việc giải quyết các kết luận giám sát, tái giám sát được Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục chú trọng, phân công, giao các cán bộ, chuyên viên theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát, đồng thời có văn bản đôn đốc, nhắc nhở nếu chậm giải quyết hoặc đưa vào nội dung chất vấn tại kỳ họp, phiên giải trình.
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2023, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình theo hướng rõ hiệu quả, rõ thời gian thực hiện. Ngoài tổ chức phiên chất vấn tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2023, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố sẽ tổ chức phiên giải trình về lĩnh vực văn hóa - xã hội.