Quy hoạch đô thị có chiều sâu

Đô thị hóa quá nhanh lại đầu tư phát triển thiếu trọng tâm, đồng bộ đã khiến áp lực đô thị ngày một lộ rõ. Câu chuyện Bí thư Thành ủy Hà Nội chia sẻ về vấn đề lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè... trong buổi tiếp xúc cử tri vừa qua càng cho thấy câu chuyện quy hoạch đô thị có chiều sâu phải được quan tâm đúng mức hơn.
0:00 / 0:00
0:00

Những năm qua, Hà Nội dường như ưu tiên tập trung phát triển quy hoạch theo chiều rộng hơn chiều sâu. Kết quả chưa đạt được như mong muốn, ví như tiến độ thực hiện các đô thị vệ tinh quá chậm; việc di dời cơ sở gây ô nhiễm, trường học, bệnh viện… cũng chậm; mở rộng đô thị ra vùng ven, nhưng ùn tắc và ngập lụt xảy ra cả ở những đô thị mới. Trong nội đô, nhà cao tầng mọc lên nhiều, phương tiện giao thông cá nhân tăng từng ngày, nhưng diện tích dành cho giao thông tĩnh quá ít. Thành phố cần những giải pháp tổng thể, đồng bộ để giải quyết vấn đề phát triển hạ tầng, nhất là giao thông và thoát nước.

Theo kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc, để phát triển đô thị có chiều sâu, thông thường được tiến hành ở hai quy mô: Quy hoạch phát triển vùng và quy hoạch thành phố. Quy hoạch vùng theo chiều sâu nhằm phát triển đồng đều tất cả các vùng, cả thành thị lẫn nông thôn. Để vạch ra được các đề án quy hoạch này, đòi hỏi phải có những nghiên cứu liên ngành thấu đáo về điều kiện tự nhiên và văn hóa xã hội của các vùng, đặc biệt là những ưu thế của mỗi vùng để phát huy. Chính những ưu thế được phát huy này sẽ tạo ra những đặc thù, hấp dẫn của từng vùng, mà lõi của vùng chính là trung tâm đô thị.

Quy hoạch phát triển thành phố, hay trung tâm đô thị có chiều sâu chính là quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị. Và quy ước có ba loại (cấp) hạ tầng đô thị gồm: Hạ tầng vật lý, hạ tầng dịch vụ và hạ tầng xã hội. Hạ tầng vật lý chính là cơ sở vật chất của đô thị, bao gồm toàn bộ các công trình có thể nhìn thấy được. Hạ tầng dịch vụ là hệ thống quản lý khai thác và phân phối hệ thống hạ tầng vật lý sao cho người dân có thể tiếp cận và sử dụng được. Hạ tầng xã hội chính là kết quả đánh giá chất lượng của hai hệ thống hạ tầng trước. Như vậy, phát triển đô thị theo chiều sâu chính là quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng vật lý và thiết lập hệ thống quản lý hạ tầng. Hai yếu tố hạ tầng này cần có phương án phát triển đồng bộ và đồng thời nhằm thu được hiệu quả cao nhất về hạ tầng xã hội.

Nhìn nhận qua đó để nhận thấy, quy hoạch và phát triển đô thị hiện nay còn bộc lộ nhiều hạn chế. Hai năm trở lại đây, không chỉ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, mà nhiều đô thị khác, tình cảnh ngập lụt khi mưa lớn càng khiến chúng ta phải trăn trở nhiều hơn trong quy hoạch phát triển đô thị. Vì thế, kỳ vọng xây dựng Thủ đô thông minh và hiện đại sẽ được triển khai thực hiện thành công trong điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đang được gấp rút hoàn thiện.