Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang Ngô Minh Long, đối tượng được chọn để hỗ trợ từ Đề án là lấy hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp làm trung tâm để tập trung phát triển kinh tế hợp tác. Mục tiêu đặt ra là giúp các HTX chủ động, tích cực thích ứng và tận dụng hiệu quả nhất cơ hội từ biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên thiên nhiên; nhất là đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang làm kinh tế nông nghiệp dựa trên cơ sở tiếp cận thị trường, sản xuất hàng hóa lớn theo chuỗi giá trị; đồng thời, giúp các HTX chú trọng chất lượng, mẫu mã, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và nguồn thu nhập cho người dân.
Nhiều chính sách từ Đề án đã hỗ trợ tốt hơn cho các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả như hỗ trợ thành lập, củng cố HTX, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tín dụng, khoa học-kỹ thuật, chính sách thuế và hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; giúp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Điển hình như HTX Kỳ Như ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp; nhờ chính sách hỗ trợ vốn mua sắm trang thiết bị, xây dựng nhà xưởng, kho, trụ sở làm việc cũng như hỗ trợ xúc tiến thương mại…, đến nay HTX đã có 11 sản phẩm OCOP được chế biến từ các sản phẩm thủy sản, các sản phẩm từ thực vật (rau, củ quả) đạt tiêu chuẩn 3 và 4 sao; doanh thu năm 2023 đạt hơn 14 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 65 lao động.
Hay như HTX nông nghiệp và dịch vụ Kiến Thành, ở ấp 9A2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy sau khi tham gia Đề án đã chú trọng hơn trong sản xuất lúa theo hướng an toàn thực phẩm, hạ giá thành sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và nguồn thu nhập cho người dân.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Kiến Thành Huỳnh Văn Dũng cho biết: Từ khi tham gia Đề án, HTX được hỗ trợ rất nhiều về kỹ thuật, phương thức sản xuất. Các thành viên HTX đều được dự các lớp tập huấn do tỉnh tổ chức về nâng cao quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đến nay, HTX đã có 100 ha lúa sản xuất đạt chuẩn VietGAP, đồng thời người dân đã và đang áp dụng 100% cơ giới hóa trong canh tác, nhất là khâu phun thuốc và gieo sạ.
Sau hơn 3 năm triển khai Đề án, tiến độ thực hiện đạt hơn 68% so với kế hoạch đề ra. Đến nay có 13/15 HTX và 2/3 Liên hiệp HTX được chọn tham gia Đề án đã được phê duyệt và đầu tư hạ tầng, chế biến sản phẩm với tổng kinh phí hỗ trợ gần 144 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 10/15 HTX đã triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông minh, nông nghiệp theo hướng an toàn và đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP; đồng thời có không ít HTX thực hiện mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong toàn bộ các khâu sản xuất lúa theo mô hình "cánh đồng không dấu chân"…
Bên cạnh những kết quả bước đầu, mới đây, tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án, các ngành chức năng, địa phương, HTX, người dân và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng đã chỉ ra những hạn chế và đề xuất, gợi mở giải pháp tháo gỡ thời gian tới.
Một trong những khó khăn lớn nhất là hiện các HTX vẫn chưa thể tiếp cận nguồn vốn vay thông qua hình thức thế chấp bằng hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa HTX-doanh nghiệp-ngân hàng. Mặt khác, một số tiêu chí không thể đạt được, thí dụ như mục tiêu của Đề án đề ra là đào tạo trình độ từ cao đẳng cho ban quản lý HTX; do thiếu chế độ hỗ trợ cho cán bộ trẻ làm việc tại HTX, từ đó dẫn đến việc nhiều cán bộ trẻ rời bỏ HTX; nhiều HTX mong muốn được hỗ trợ bãi tập kết thu mua nông sản cho thành viên; làm lộ nội đồng phục vụ cho vận chuyển hàng hóa.
Thêm vào đó, không ít HTX và Liên hiệp HTX tham gia Đề án còn chậm về thực hiện chuyển đổi số trong việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; công tác bán hàng còn ở mức giấy tờ, sổ sách; việc quảng bá, xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm còn hạn chế…
Ông Ngô Minh Long cho biết: Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cũng đã phối hợp với Tổ chức Stichting Agriterra Hà Lan tại Việt Nam thực hiện rà soát và tổ chức hội thảo đánh giá tiến độ, sự phù hợp, kết quả và tác động của Đề án; qua đây nhằm cung cấp thông tin cho nhà hoạch định chính sách, các sở, ban, ngành của tỉnh và những bên liên quan về thành tựu, các bài học kinh nghiệm; nắm bắt được những vấn đề còn tồn tại, hạn chế cũng như đề xuất các giải pháp tháo gỡ trong thời gian còn lại của giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; từ đó, giúp cho các hoạt động của Đề án được thực hiện hiệu quả và sát thực hơn theo quan điểm, mục tiêu đã đề ra, góp phần hỗ trợ người dân trong tỉnh sản xuất đạt hiệu quả trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, khó lường như hiện nay.