Phát triển nhà ở xã hội tương xứng với tiềm năng

Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, tỉnh Bình Dương thu hút một lượng lớn lao động ngoài tỉnh đến làm việc. Tạo thuận lợi cho người lao động an cư lạc nghiệp, thời gian qua Bình Dương đã có nhiều chương trình, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhằm giúp người lao động tiếp cận được nhà ở giá rẻ để yên tâm làm việc, gắn bó với địa phương.
Khu nhà ở xã hội Becamex Định Hòa (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) giúp nhiều công nhân lao động ngoại tỉnh an cư, lạc nghiệp.
Khu nhà ở xã hội Becamex Định Hòa (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) giúp nhiều công nhân lao động ngoại tỉnh an cư, lạc nghiệp.

Là tỉnh phát triển công nghiệp, Bình Dương hiện thu hút 70.500 doanh nghiệp đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 774 nghìn tỷ đồng và 4.342 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký gần 41 tỷ USD. Để đáp ứng nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tỉnh thu hút hơn 1,3 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, trong đó có hơn 85% lao động là người ngoại tỉnh và nhu cầu nhà ở cho lực lượng lao động này rất lớn.

Từ Chương trình về phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2011-2015 được Tỉnh ủy Bình Dương ban hành năm 2011 và Quyết định Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng nhà ở an sinh xã hội Becamex giai đoạn 1, từ năm 2011 đến năm 2015 đã có gần 1,47 triệu m² nhà ở xã hội đáp ứng chỗ ở cho hơn 101 nghìn người. Tiếp đó trong giai đoạn 2016-2020, đã có thêm hơn 1,33 triệu m2 sàn nhà ở xã hội được xây dựng. Tính từ đầu năm 2021 đến nay đã có 8 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và nhà ở cho công nhân khu công nghiệp được triển khai với hàng chục nghìn căn nhà ở xã hội hoàn thành đưa vào sử dụng.

Phát triển công nghiệp bền vững với mục tiêu xuyên suốt là công nghiệp hóa, đô thị hóa phải đi đôi với ổn định an sinh xã hội, tháng 6/2024 Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt “Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030”. Theo đề án, dự kiến tỉnh sẽ đầu tư khoảng 160.352 căn nhà ở xã hội với tổng diện tích đất hơn 470 ha, diện tích sàn xây dựng hơn 9,25 triệu m2 đáp ứng cho 552.548 dân số với tổng mức đầu tư khoảng 84.756 tỷ đồng.

Việc xây dựng nhà ở xã hội là một trong những chính sách an sinh xã hội của tỉnh, có ý nghĩa rất quan trọng giúp cho người lao động an cư lạc nghiệp, vừa là một giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. “Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030” của tỉnh Bình Dương được xây dựng cụ thể với 7 nhóm giải pháp tương ứng với 7 loại đất và có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nhà ở xã hội.

Nỗ lực phát triển nhà ở xã hội là vậy nhưng thực tế hiện nay cũng có những khó khăn nhất định mà các tỉnh phát triển công nghiệp đang gặp phải. Báo cáo tình hình triển khai nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp của tỉnh Bình Dương mới đây chỉ rõ: Mặc dù đã tập trung triển khai, nhưng do khó khăn về cơ chế, chính sách, đất đai và nguồn vốn, nên việc phát triển chỉ tiêu nhà ở xã hội đạt được chưa như mong muốn; thủ tục trong việc xác nhận đối tượng đủ điều kiện được mua, thuê, thuê nhà ở xã hội còn vướng mắc, kéo dài; các quy định khấu trừ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật dự án chưa rõ ràng; trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay ưu đãi từ gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng; cơ chế, chính sách ưu đãi đối với việc xây dựng nhà ở xã hội chưa thực sự thu hút, khuyến khích được doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng do lợi nhuận thấp (tối đa 10%), thời gian đầu tư kéo dài và thu hồi nguồn vốn chậm...

Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Để hoàn thành mục tiêu như đề án đặt ra, những khó khăn nhất định mà tỉnh Bình Dương và các tỉnh phát triển công nghiệp đang gặp phải trong vấn đề phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân rất cần các bộ, ngành đồng hành giải quyết.

Có như vậy, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế-xã hội mới thật sự đi vào thực tiễn, tiếp tục tạo lực đột phá phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa đi đôi với ổn định an sinh xã hội, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, công nhân lao động mà trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước luôn kỳ vọng và mong muốn.