Cuối tháng 9 vừa qua, tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, một nữ sinh viên, đang học tại một trường đại học trên địa bàn tỉnh, trong quá trình lưu thông xe máy tại khu vực vòng xoay Gò Đậu, thành phố Thủ Dầu Một đã va chạm với xe tải dẫn đến bị thương nặng và sau đó tử vong tại bệnh viện. Đó là một trong rất nhiều vụ việc đau lòng xảy ra tại nhiều địa phương, trong đó có các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam Bộ. Tình trạng học sinh điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, chạy xe máy phân khối lớn khi chưa có giấy phép lái xe không hiếm gặp, làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tai nạn giao thông liên quan lứa tuổi học sinh vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong số 87.000 trường hợp vi phạm giao thông trong sáu tháng đầu năm 2024 thì có đến hơn 3.000 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm. Một thống kê đáng chú ý khác của Bộ Công an, từ năm 2020 đến tháng 9/2022, cả nước đã xảy ra 1.570 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên, làm chết 864 người, bị thương 1.794 người. Thực tế này một lần nữa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các em, nhất là việc quản lý con cái của các bậc cha mẹ và các đơn vị liên quan.
Nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch của Cục Cảnh sát giao thông; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, Phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hồ Chí Minh đồng loạt tổ chức ra quân thực hiện cao điểm kéo dài suốt tháng 10/2024. Các đơn vị thực hiện tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về giao thông liên quan đến học sinh; tuần tra kiểm soát tại các tuyến, địa bàn gần khu trường học, khu vực có nhiều thanh, thiếu niên tụ tập vi phạm. Các đơn vị tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả các mô hình tự quản “Cổng trường an toàn giao thông”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho lứa tuổi học sinh thông qua các hình thức tuyên truyền đa dạng, sinh động, dễ tiếp cận,… nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về các quy định của pháp luật cũng như các kỹ năng phòng tránh tai nạn cho học sinh.
Hướng tới giảm thiểu các vụ vi phạm, tai nạn an toàn giao thông trong học sinh, sinh viên, thanh, thiếu niên, các ngành chức năng cần có giải pháp triệt để hạn chế, giám sát tình trạng học sinh đi học bằng phương tiện xe máy điện, xe máy, xe mô-tô, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, gây rối trật tự công cộng,… Qua số liệu cho thấy lỗi vi phạm học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy chiếm 47,59% và hệ quả là tai nạn giao thông liên quan điều khiển xe trên 50 phân khối chiếm 71,31%.
Nhà trường, địa phương, lực lượng cảnh sát giao thông cần giải quyết dứt điểm nạn ùn tắc giao thông vào giờ đến trường, tan học; phạm vi chờ, đón học sinh trước cổng trường. Đây là những yếu tố tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến các vụ tai nạn giao thông, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông. Cùng với đó, công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để quản lý, giáo dục học sinh chấp hành Luật Giao thông cần sự hiệu quả, thực chất và đồng bộ hơn. Các đơn vị cần thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp, nêu tình huống cụ thể để tác động hiệu quả đến đối tượng đặc thù là học sinh. Trong vấn đề này, việc giáo dục, nâng cao ý thức của học sinh cần sự chung tay rất lớn của các gia đình. Nhằm giúp các em ý thức hơn trong vấn đề này, việc xử lý vi phạm cần được các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm và thường xuyên hơn. Cùng với đó, các hoạt động tuyên truyền lâu dài, hiệu quả để tạo ra một hệ ý thức cho thế hệ trẻ trong không chỉ vấn đề an toàn giao thông mà cả trong nhiều vấn đề khác của cuộc sống ■