Phát triển bền vững nghề nuôi biển

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản lồng bè và nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch hiện có hơn 163 ha, với tổng số bè nuôi là 412 bè/14.062 lồng. Khu vực nuôi tập trung chủ yếu ở ba vùng: Khu vực sông Rạng-Chà Và-Mũi Giui, khu vực sông Dinh và khu vực sông Cỏ May-Cửa Lấp-rạch Cây Khế. Đối tượng nuôi chính là cá mú, cá chẽm, cá chim, cá bóp, cá hồng mỹ và nhuyễn thể hai mảnh vỏ (các loại hàu), với sản lượng bình quân đạt khoảng 7.900 tấn/năm. Ngoài ra, có một số cơ sở nuôi tôm hùm tre, đáng chú ý tại huyện Côn Đảo có một công ty nuôi trai lấy ngọc với diện tích 100 ha.
0:00 / 0:00
0:00
Nuôi thủy sản lồng bè tại xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu.
Nuôi thủy sản lồng bè tại xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu.

Để phát triển nghề nuôi biển bền vững, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch hành động phát triển thủy sản tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, phấn đấu đến năm 2030 có tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 23.000 tấn/năm. Đồng thời, tỉnh khuyến khích phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, có tính giải trí, mỹ nghệ, trang sức theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch và xuất khẩu. Dự kiến, địa điểm phát triển các loại hình nuôi biển tập trung tại huyện Côn Đảo và các vùng biển thuộc các huyện, thành phố ven biển (thành phố Vũng Tàu, huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ…).

Để tạo nền tảng vững chắc cho nghề nuôi biển, Bà Rịa-Vũng Tàu luôn ý thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ, giữ gìn tài nguyên biển. Theo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ thành lập mới một khu bảo tồn biển cấp quốc gia tại Vườn Quốc gia Côn Đảo với diện tích 34.500 ha; hai khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản ở vùng biển ven bờ huyện Xuyên Mộc và ven bờ đông nam mũi Nghinh Phong (thành phố Vũng Tàu) với tổng diện tích gần 2.100 ha. Tỉnh cũng xác định hai khu vực cấm khai thác thủy sản (có thời hạn cụ thể) ở vùng biển, gồm: Vùng ven biển Xuyên Mộc (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) với diện tích gần 8.500 ha và vùng ven biển Vũng Tàu-Tiền Giang với diện tích 184.300 ha. Đây là các khu vực thủy sản tập trung sinh sản, thủy sản còn non tập trung sinh sống. Ngoài ra, tỉnh cũng cấm các loại nghề, ngư cụ khai thác thủy sản gây nguy hại, hủy diệt nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của loài thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh.

Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là khai thác thủy sản phải phù hợp với tiềm năng nguồn lợi thủy sản, theo hướng hiệu quả, bền vững, có trách nhiệm, hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, dinh dưỡng, nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân trên cơ sở ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản lý nhà nước…

Cùng với đó, tỉnh sẽ tổ chức lại các cơ sở, hộ nuôi biển nhỏ lẻ, phân tán hiện nay theo hình thức quản lý có sự tham gia của cộng đồng, hợp tác xã liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường. Tỉnh cũng sẽ tăng cường kết hợp giữa nuôi biển với hoạt động các ngành kinh tế khác để tận dụng hệ thống cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các hoạt động sản xuất trên biển, nhằm giảm sản lượng khai thác, cân bằng giữa nhu cầu xã hội và giữ gìn tài nguyên biển, phát triển bền vững. Tỉnh đã chú trọng kêu gọi, hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản thực hiện theo hướng liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị, an toàn thực phẩm.

Hằng năm, thông qua chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, tỉnh đẩy mạnh, thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đầu tư vào tỉnh, mở rộng hợp tác liên kết, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, Bà Rịa-Vũng Tàu cần xác định lộ trình phát triển nuôi biển để người dân thích ứng dần với công nghệ nuôi mới ở quy mô lớn, xa bờ hơn. Tỉnh cần có cơ chế, chính sách đặc thù về huy động vốn cho nuôi biển, kể cả hỗ trợ ban đầu cho người nuôi biển; triển khai công tác khuyến ngư để giúp người nuôi và cán bộ quản lý nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng nuôi biển. Ngoài ra, tỉnh cần xúc tiến thương mại và mở thị trường cho xuất khẩu mặt hàng từ nuôi biển theo chuỗi cung ứng ■