Chính quyền cấp tỉnh, các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại bắt buộc phải bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Để khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội, luật cũng quy định “miễn tiền sử dụng đất” đối với tất cả dự án nhà ở xã hội được đầu tư bằng mọi nguồn vốn. Trong đó, chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất như trước đây…
Tuy nhiên, khi mọi chính sách đang được triển khai trơn tru thì lãi suất vay mua, thuê, mua nhà ở xã hội được Ngân hàng Chính sách xã hội điều chỉnh tăng từ 4,8% lên 6,6%/năm, khiến người dân “chùn tay”.
Có thể hiểu, việc điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội là dựa theo Nghị định số 100/2024/NĐ-CP (ngày 26/7/2024) của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024.
Theo đó, các khoản vay đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở trước ngày 1/8/2024 thì áp dụng mức lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo do Thủ tướng quy định trong từng thời kỳ. Hiện nay, mức lãi suất này là 6,6%/năm nên lãi suất cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở là 6,6%/năm.
Đây là mức lãi suất quá cao với hộ nghèo, cao so với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay tại các ngân hàng thương mại. Điển hình là Ngân hàng Vietcombank đang cho vay tiêu dùng với mức cho vay có thể lên đến hàng tỷ đồng lãi suất cho vay từ 4,2-5%/năm, không cần tài sản thế chấp mà chỉ cần chứng minh khả năng trả nợ.
Do vậy, Ngân hàng Chính sách xã hội nên xem xét điều chỉnh giảm mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo về mức lãi suất từ 3-4,8%/năm là phù hợp, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận được nguồn vốn tạo lập nhà ở. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, vật giá leo thang như hiện nay thì việc điều chỉnh lãi suất cho vay xuống thấp sẽ bảo đảm tính nhân văn của chế độ chính sách, bảo đảm chủ trương xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội khả thi.
Bên cạnh đó, mức lãi suất doanh nghiệp vay để phát triển nhà ở xã hội cũng đang rất cao, khoảng 7,92%/năm. Mức này chỉ thấp hơn lãi suất cho vay của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng (8%) và thấp hơn chút ít so lãi suất vay tín dụng thương mại.
Thực tế, do lãi suất cho vay của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cao cho nên tính đến tháng 7/2024 mới giải ngân được hơn 1.234 tỷ đồng. Trong đó, có 1.202 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án; 32 tỷ đồng cho người mua nhà tại 5 dự án.
Do vậy, để kích cầu được nguồn cung nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cần kiến nghị với Chính phủ trình Quốc hội bố trí chi ngân sách nhà nước trung hạn 2021-2025 và 2026-2030 có nguồn vốn tái cấp vốn, bù lãi suất, để người mua vay với lãi suất 4,8% thời hạn vay
25 năm. Chủ đầu tư được vay với lãi suất 4,8-5% trong thời hạn
5 năm. Cùng với đó, cần phải điều chỉnh quy định cho phép chủ đầu tư được thế chấp chính dự án nhà ở xã hội đang đầu tư xây dựng để vay vốn, bởi khi đó sẽ mở rộng được các đối tượng đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Một chủ trương lớn đầy tính nhân văn của Đảng và Nhà nước đang được các bộ, ngành, địa phương gấp rút thực hiện thì những chính sách còn tắc nghẽn cần được nhanh chóng gỡ vướng. Khi đó, chương trình xây dựng 1 triệu căn nhà ở sẽ sớm về đích, giải quyết nhu cầu nhà ở cho hàng triệu người dân lao động.