Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và tác động của quá trình đô thị hóa, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh có tốc độ tăng khoảng 10% mỗi năm, dự báo đến năm 2025, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 1.590 tấn/ngày.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân hưởng ứng phân loại rác tại nguồn nhưng cần có cách làm đồng bộ, bài bản hơn.
Người dân hưởng ứng phân loại rác tại nguồn nhưng cần có cách làm đồng bộ, bài bản hơn.

Để bảo vệ môi trường, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phê duyệt đề án Quản lý chất thải rắn và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2030. Mục tiêu là đến năm 2025, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được phân loại đạt hơn 30% và đạt 50% vào năm 2030.

Vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 17/2024/QĐ-UBND Quy định về quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh, có hiệu lực kể từ ngày 10/6/2024.

Theo quy định mới này, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân sẽ được phân loại thành ba loại: Chất thải thực phẩm; chất thải rắn có khả năng tái chế, tái sử dụng (giấy thải, nhựa thải, thủy tinh, cao su…); khác (chất thải rắn cồng kềnh có kích cỡ lớn và chất thải nguy hại gồm bóng đèn huỳnh quang, bình ắc quy…). Các loại chất thải trên sau khi được phân loại phải được chứa đựng trong các bao bì theo quy định và được lưu giữ trong các khu vực phù hợp trước khi chuyển giao cho các đơn vị xử lý.

Theo đó, hộ gia đình, cá nhân sẽ chuyển giao chất thải cho cơ sở thu gom, vận chuyển do chính quyền địa phương lựa chọn theo đúng thời gian, địa điểm, tần suất và phương thức theo thông báo của ủy ban nhân dân cấp xã, đồng thời chi trả dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh và giá dịch vụ phát sinh theo thỏa thuận với cơ sở thu gom, vận chuyển.

Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần vào việc giải quyết những vấn đề môi trường do chất thải rắn sinh hoạt gây ra.

Cụ thể, phân loại các thành phần trong chất thải rắn sinh hoạt thành những loại riêng biệt, có thể tái chế, tái sử dụng; thu phí xử lý và bán nguyên liệu tái chế, cân bằng thu chi trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt, giảm bớt khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải chôn lấp, xử lý bằng phương pháp đốt.

Qua đó, góp phần giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, từng bước thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải nhà kính trong quá trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Thế nhưng hiện tại, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở Bà Rịa-Vũng Tàu phần lớn chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt và chính thức hóa.

Hiện tại, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được thu gom, xử lý trung bình khoảng 950 tấn/ngày, nhưng hầu như chưa được phân loại, chưa có giải pháp thu gom, vận chuyển, xử lý phù hợp nên chưa đáp ứng đầy đủ về hiệu quả, chưa mang tính bền vững.

Theo đó, ngoài việc tập trung nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong công tác quản lý chất thải rắn cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; rác thải sau khi phân loại phải được chứa đựng trong các túi để chuyển giao cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý đúng quy định; khuyến khích người dân tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ và thức ăn chăn nuôi; đồng thời, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về việc giữ gìn cảnh quan chung, không xả rác bừa bãi, nhất là ý thức phân loại rác ngay từ chính trong mỗi căn nhà, mỗi cơ quan, đơn vị để rác thải trở thành tài nguyên, được tái chế, tái sử dụng và tạo ra giá trị, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.

Song song đó, tỉnh cũng tập trung phát huy tối đa vai trò của các tổ chức, đoàn, hội như: Mặt trận Tổ quốc, liên đoàn lao động, hội liên hiệp phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, tổ dân phố… cùng giám sát việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; xử phạt các hành vi vứt rác không đúng nơi quy định, không phân loại rác thải tại nguồn; kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực thu gom, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại phù hợp với từng loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại để đồng bộ từ khâu thu gom, vận chuyển đến xử lý rác.

Muốn phân loại rác tại nguồn cần phải có phương tiện thu gom, lên lịch cụ thể từng thời gian, địa điểm sẽ tiến hành thu gom đối với từng loại rác thải, kết hợp cùng các hình thức răn đe, xử phạt đối với hành vi không phân loại rác tại nguồn và tuyên truyền trực tiếp bằng các công cụ truyền thông, đồng thời phổ biến Luật Bảo vệ môi trường 2020 bằng nhiều hình thức đến các khu dân cư để người dân hưởng ứng phong trào phân loại rác tại nguồn theo quy định.

Bên cạnh đó, cũng cần phải chuẩn hóa lực lượng và phương tiện thu gom rác. Đơn vị thu gom rác cần đáp ứng các điều kiện kỹ thuật, đồng bộ về con người, năng lực quản lý, xử lý.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sớm hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư, thúc đẩy triển khai dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện trong Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên với công suất 1.000 tấn/ngày và dự án nhà máy đốt rác sinh hoạt huyện Côn Đảo.