Cùng với đó, mô hình tín dụng xanh còn được xem là công cụ tài chính có ý nghĩa quan trọng để kiểm soát và ngăn chặn doanh nghiệp có hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Trong những năm qua, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước.
Trên cơ sở chương trình hành động của Chính phủ, nhất là Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng các chương trình hành động của ngành ngân hàng về phát triển kinh tế xanh.
Các ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh cho vay tín dụng xanh các dự án xanh như: Năng lượng xanh, nông nghiệp xanh, hoạt động tạo ra các sản phẩm xanh…
Tín dụng xanh đang được các ngân hàng xác định là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh dài hạn. Dự kiến, danh mục cho vay của BIDV cho các lĩnh vực xanh và phát triển bền vững đến năm 2025 đạt 3 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 4% dư nợ tín dụng của ngân hàng này.
Viecombank ghi nhận quy mô tín dụng xanh tăng gần sáu lần trong 5 năm vừa qua, từ quy mô 7.890 tỷ đồng cuối năm 2018 lên hơn 46.100 tỷ đồng năm 2023, chiếm xấp xỉ 4% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng này.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu, hoạt động tài chính xanh vẫn cần được đẩy mạnh hơn nữa, nhất là sự đột phá trong việc triển khai.
Theo số liệu 6 tháng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư nợ tín dụng xanh mới đạt gần 680.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Trong đó, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Những con số như tín dụng xanh chưa đến 5% tổng vốn tín dụng cho nền kinh tế, hay mới hơn 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh được phát hành… là những con số rất nhỏ so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD trung bình mỗi năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh.
Gần đây, tín dụng xanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá có tốc độ tăng trưởng tốt, luôn tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung tín dụng của ngành.
Lý do là các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu và Mỹ đang bắt đầu quan tâm đến yếu tố xuất xứ xanh.
Đáng chú ý, đầu năm 2024, Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cung cấp gói tín dụng 2.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp thuộc danh mục Xanh nhằm mục đích tài trợ nhu cầu vốn kinh doanh. Đến nay, ACB đã giải ngân hết gói tín dụng này và sẽ gia hạn để giúp các khách hàng tiếp tục chuyển đổi xanh.
Nhiều năm qua, Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) đã “xanh hóa” danh mục tín dụng, liên tục xây dựng thêm danh mục sản phẩm tín dụng xanh đa dạng.
Hiện, tín dụng xanh của Nam A Bank đã đạt quy mô khá lớn, đang chiếm khoảng 10% quy mô tín dụng của Nam A Bank, đã giải ngân hơn 12.000 tỷ đồng với gần 10.000 khoản vay. Nam A Bank đặt mục tiêu đưa tỷ trọng tín dụng xanh lên 20-25% (gấp 2-3 lần tỷ trọng hiện tại).
Để thúc đẩy tín dụng xanh và trở thành ngành lõi của các ngân hàng, các cơ quan, ban, ngành cần sớm hoàn thiện và ban hành bộ tiêu chí môi trường và các tiêu chí xác định đối với các dự án được cấp tín dụng xanh, để các tổ chức tín dụng có cơ sở pháp lý xác thực các dự án, hạng mục dự án đáp ứng điều kiện tín dụng xanh.
Bên cạnh đó, cần xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ các lĩnh vực, ngành xanh về thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, chiến lược phát triển... một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh.
Cho đến nay, nguồn vốn tín dụng cho các hoạt động xanh của ngân hàng còn khá hạn chế, trong khi các dự án xanh bảo vệ môi trường, thường thu hồi vốn chậm.
Do vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ các ngân hàng tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, lãi suất ưu đãi, đồng thời kêu gọi các nguồn lực quốc tế cho việc cung ứng vốn cho các dự án xanh.