Phát triển công nghiệp sạch là xu thế tất yếu

Chuyển đổi sang các ngành công nghiệp sạch là cơ hội quan trọng để Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung hội nhập theo xu hướng toàn cầu, mang lại lợi thế chiến lược trong thu hút các dự án đầu tư xanh.
0:00 / 0:00
0:00
Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh là nơi thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh là nơi thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Với lợi thế về năng lực sản xuất, chuỗi cung ứng khu vực, lực lượng lao động có tay nghề…, tiềm năng của vùng Đông Nam Bộ về phát triển các ngành công nghiệp sạch là rất lớn, dần trở thành điểm đến hấp dẫn của các công ty, tập đoàn toàn cầu với hàm lượng chất xám cao.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực đang thúc đẩy các ngành công nghiệp sạch không chỉ vì cho mục tiêu tăng trưởng bền vững trong nước mà còn vì sự thâm nhập thị trường quốc tế sâu rộng, trong đó có các nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Lý do chính để Việt Nam chuyển hướng thúc đẩy các ngành công nghiệp sạch là hướng đến nền kinh tế các-bon thấp để phù hợp xu hướng toàn cầu và vùng Đông Nam Bộ, một trong những điểm đến nổi bật cho đầu tư vào chuỗi cung ứng công nghệ sạch của thế giới.

Các chính sách thu hút đầu tư xanh, cùng với các nguồn lực có sẵn, chuỗi cung ứng khu vực đã được thiết lập, lực lượng lao động ngày càng có trình độ và kỹ năng… đã trở thành yếu tố quan trọng giúp các địa phương vùng Đông Nam Bộ, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng xanh toàn cầu.

Trong xu thế hiện nay, chuyển đổi công nghiệp có ý nghĩa sống còn cho mỗi quốc gia. Nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu chuyển sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên “chuyển đổi công nghiệp sạch”. Trong đó, các nhà sản xuất chuyển sang các quy trình sạch hơn, hiệu quả hơn như điện khí hóa sản xuất nhiệt công nghiệp và sản xuất thép dựa trên hydro. Tại Liên minh châu Âu (EU), với bề dày thực hiện các mục tiêu và chính sách khí hậu, các ngành công nghiệp sạch đã đóng góp một phần ba vào sự mở rộng kinh tế tổng thể của EU trong năm 2023.

Việt Nam, nhất là vùng Đông Nam Bộ có nhiều điều kiện để phát triển mạnh các ngành công nghiệp sạch, nhưng đòi hỏi phải có một cách tiếp cận toàn diện và linh hoạt, tận dụng sự hợp tác đa chiều mạnh mẽ giữa các bên liên quan ở mọi cấp độ.

Trong nhiều giải pháp thực hiện, việc xây dựng, cũng như chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang các khu công nghiệp sạch, khu công nghiệp sinh thái được xem là cần thiết để vùng Đông Nam Bộ duy trì lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Bởi, khi chuyển đổi sang khu công nghiệp sạch, khu công nghiệp sinh thái sẽ tạo ra nhiều cơ hội thu hút “đầu tư xanh” từ nước ngoài, tăng cơ hội xuất khẩu của Việt Nam và tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, để chuyển đổi sang các khu công nghiệp sinh thái, cũng như chuyển sang các ngành công nghiệp sạch thành công, vùng Đông Nam Bộ cần có các chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp sạch. Các chính sách này cần tạo ra “đòn bẩy” để phát triển các dự án xanh, qua đó tạo tiền đề mở rộng các thị trường xuất khẩu mới với giá trị gia tăng cao. Cùng với đó, việc đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư để thu hút “tài chính xanh”; thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hướng tuần hoàn để thu hút, chọn lọc các dự án “đầu tư xanh”…

Có thể nói, chuyển đổi sang các ngành công nghiệp sạch là xu thế tất yếu của hiện tại và tương lai cho vùng Đông Nam Bộ. Lựa chọn hướng đi này là phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.