Khu công nghiệp sinh thái đã có từ lâu trên thế giới và có nhiều mô hình thành công. Tuy nhiên, phải đến năm 2014, khi dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” (gọi tắt là dự án) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) triển khai, thì khái niệm này mới được nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cũng như các nhà đầu tư thứ cấp, doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn.
Từ những kết quả tích cực của việc thí điểm mô hình khu công nghiệp sinh thái giai đoạn 2015-2019 được triển khai tại các khu công nghiệp (Khu công nghiệp Khánh Phú, Khu công nghiệp Gián Khẩu tại Ninh Bình; Khu công nghiệp Hòa Khánh tại Đà Nẵng, Khu công nghiệp Trà Nóc 1 và 2 tại Cần Thơ), từ năm 2020 đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp UNIDO nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Nai. Đến nay, có hơn 600 giải pháp hiệu quả về tài nguyên và sản xuất sạch đã được đề xuất cho 88 doanh nghiệp tại ba khu công nghiệp: Hiệp Phước (Thành phố Hồ Chí Minh); Amata (Đồng Nai); Đình Vũ (Hải Phòng).
Trong đó, có gần 220 giải pháp đã được thực hiện góp phần tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, giảm phát thải CO2 và đem lại lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp. Đồng thời, dự án cũng đã đề xuất thực hiện hơn 60 giải pháp cộng sinh công nghiệp, cộng sinh công nghiệp-đô thị cho các khu công nghiệp (Hiệp Phước, Amata, Đình Vũ, Hòa Khánh, Trà Nóc 1 và 2) để góp phần tối ưu hóa việc tái sử dụng chất thải, cụ thể hóa việc thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Theo thống kê, tính đến tháng 5/2024, cả nước có khoảng 300 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, với quỹ đất công nghiệp 62.700 ha. Trong số các khu công nghiệp đang hoạt động hiện nay, chỉ có từ 1-2% khu công nghiệp đang thực hiện các bước để chuyển đổi, trở thành các khu công nghiệp sinh thái. Hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế; trong đó có quy định về khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng mới các khu công nghiệp sinh thái, hoặc chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang khu công nghiêp sinh thái.
Tuy nhiên, khi thực hiện chuyển đổi, các đơn vị hạ tầng khu công nghiệp gặp không ít khó khăn, nhất là về mặt pháp lý. Cụ thể, nhiều vấn đề pháp lý về việc hình thành, phát triển khu công nghiệp sinh thái, chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái chưa được hướng dẫn chi tiết, còn chung chung. Việc “xanh hóa” theo mô hình khu công nghiệp sinh thái còn gặp khó khăn về quy trình thẩm định khi có đến sáu bộ, ngành thẩm định. Điều này rất mất thời gian, làm lỡ đi cơ hội của doanh nghiệp. Thậm chí, đến nay, tiêu chí khu công nghiệp sinh thái theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP vẫn còn khá mơ hồ, chưa được cụ thể hóa một cách rõ ràng, chi tiết.
Để nhân rộng và phát triển khu công nghiệp sinh thái, các cơ quan liên quan cần xây dựng khung khổ pháp lý riêng áp dụng cho các trường hợp thành lập mới, hoặc áp dụng cho trường hợp chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống thành khu công nghiệp sinh thái; đồng thời, cần có các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan, các ưu đãi cho khu công nghiệp sinh thái... Đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần chú trọng nhiều hơn đến khu công nghiệp sinh thái, bởi đây là xu hướng tất yếu. Nhà nước có luật, có chính sách, có ưu đãi để kiến tạo, và doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm thực hiện và thúc đẩy phát triển khu công nghiệp sinh thái.