Vùng kinh tế trọng điểm phía nam có nguồn nhân lực rất lớn, với dân số khoảng 22 triệu người, là nơi tập trung nhiều nhất các nhà khoa học, các chuyên gia giỏi thuộc nhiều lĩnh vực, nhiều trường đại học, cao đẳng, đội ngũ đông đảo thợ lành nghề. Đây là tiềm năng và lợi thế rất lớn so với các vùng khác trong cả nước để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, vùng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, đó là lực lượng lao động chính của vùng phần lớn là người nhập cư từ các địa phương khác. Đời sống của công nhân còn nhiều khó khăn; hầu hết người lao động nhập cư phải ở trong các khu nhà trọ chật hẹp, thiếu tiện nghi, thiếu điều kiện vệ sinh môi trường. Lao động nhập cư đông cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững nguồn lực lao động, bởi khi các vùng, miền khác phát triển mạnh hơn, người lao động trở về gần nhà làm việc, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động.
Ngoài ra, một bộ phận lao động nhập cư đến từ các vùng nông thôn chưa qua đào tạo sẽ chưa theo kịp sự phát triển rất nhanh về trình độ sản xuất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, ảnh hưởng đến chất lượng phát triển công nghiệp toàn vùng. Lực lượng lao động nhập cư đông cũng chứa đựng những khó khăn như thiếu nhà ở cho công nhân, gây áp lực đến cơ sở hạ tầng y tế, tình trạng quá tải ở hầu hết các bệnh viện, thiếu nhiều trường lớp, giáo viên…
Tất cả các mặt hạn chế nêu trên trở thành áp lực không nhỏ, tiêu hao rất nhiều nguồn lực cho các đô thị lớn ở Vùng kinh tế trọng điểm phía nam trong việc xây dựng cơ sở vật chất bảo đảm đời sống, an sinh xã hội.
Là vùng đất có tiềm năng phát triển rất lớn đối với tất cả các loại hình giao thông từ đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, đến nay, hệ thống giao thông kết nối vùng đang được thúc đẩy xây dựng, đã có nhiều đường cao tốc, đường vành đai, đường liên vùng…
Tuy nhiên, nhìn chung, hạ tầng giao thông của khu vực vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Khu vực này còn tồn tại nhiều điểm nghẽn về kết nối đường bộ, sân bay, cảng biển, đường thủy nội địa… cần sớm được tháo gỡ. Việc tăng cường kết nối nội vùng và liên vùng là đòn bẩy tạo động lực phát triển kinh tế cho toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Đáng chú ý, giao thông đô thị đang là bài toán khó có lời giải, điển hình như ở Thành phố Hồ Chí Minh, trong vùng nội đô hầu như không còn quỹ đất để phát triển giao thông cho nên tình trạng kẹt xe vẫn thường xảy ra.
Vùng kinh tế trọng điểm phía nam là một trong những vùng kinh tế phát triển nhất cả nước, là đầu tàu tăng trưởng kinh tế và có tác động lan tỏa, dẫn dắt các vùng, các địa phương khác. Để tiếp tục giữ đà tăng trưởng, vùng cần có chính sách phát triển nguồn lực lao động theo hướng bền vững.
Trong đó, cần có các giải pháp để nâng cao chất lượng cuộc sống cho đội ngũ công nhân để giữ chân người lao động; có chính sách đào tạo nâng cao kỹ năng lao động để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp, theo kịp trình độ sản xuất của thời đại công nghệ 4.0.
Ngoài ra, các địa phương và bộ, ngành Trung ương cần ưu tiên giải quyết “nút thắt” về hạ tầng giao thông kết nối, nhất là kết nối liên vùng, liên kết giữa các phương thức vận tải.
Trong đó, vùng cần tập trung đầu tư đồng bộ các công trình giao thông quan trọng bức thiết có vai trò động lực phát triển kinh tế; đẩy mạnh kết nối đường thủy nội địa với đường bộ, với cảng thủy nội địa bảo đảm quy mô, chất lượng phục vụ hoạt động vận tải hàng hóa lớn.
Chính phủ cần có cơ chế khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để hoàn thiện mạng lưới kết nối cơ sở hạ tầng với mục tiêu cơ sở hạ tầng phải đi trước một bước trong phát triển kinh tế-xã hội.