Hỗ trợ công nhân, lao động vay vốn ưu đãi

Đông Nam Bộ hiện là vùng kinh tế tập trung đông đảo công nhân, lao động - là lực lượng đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của vùng và cả nước.
Công nhân Công ty TNHH Juki (Việt Nam) tại Khu chế xuất Tân Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh gia công chi tiết linh kiện máy may công nghiệp. (Ảnh CAO TÂN)
Công nhân Công ty TNHH Juki (Việt Nam) tại Khu chế xuất Tân Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh gia công chi tiết linh kiện máy may công nghiệp. (Ảnh CAO TÂN)

Vì vậy, việc triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để công nhân, lao động tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, các dịch vụ ngân hàng là vấn đề cấp bách để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, nhằm hạn chế, ngăn ngừa “tín dụng đen”.

Trong thời gian qua, Tổ chức tài chính vi mô (CEP) do Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh sáng lập năm 1991, hoạt động phi lợi nhuận với sứ mệnh giảm nghèo cho công nhân, người lao động đã tỏ rõ hiệu quả. Với mạng lưới 36 chi nhánh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và chín tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, CEP đã hỗ trợ thiết thực cho trên 5,6 triệu lượt công nhân, lao động nghèo và người có thu nhập thấp vượt qua khó khăn thông qua cung cấp các sản phẩm tín dụng tiết kiệm với lãi suất nhiều năm qua dao động 0,4-0,65%/tháng, tương đương 4,8-7,8%/năm.

Năm 2023, CEP thực hiện chương trình phòng, chống “tín dụng đen” trong công nhân với mục tiêu trong 5 năm 2023-2028 đạt 1,41 triệu lượt người vay với doanh số 50.000 tỷ đồng. Ngoài ra, ngành ngân hàng triển khai thực hiện các hoạt động tín dụng cho vay tiêu dùng; cho vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội; cho vay doanh nghiệp để xây nhà ở cho công nhân thuê và các giải pháp chính sách khác.

Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đến nay có dư nợ cho vay tiêu dùng đạt trên một triệu tỷ đồng; trong đó, cho vay mua nhà để ở, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng sửa chữa nhà ở, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà để ở (liên quan đến bất động sản, nhưng là tiêu dùng, mua để ở, với mục đích để sử dụng) đạt 643 nghìn tỷ đồng, chiếm 62,2% trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng.

Về gói tín dụng 20.000 tỷ đồng của hai công ty tài chính lớn trong hệ thống gồm HD Saison và FE Credit, đến nay đã giải ngân gần 181 tỷ đồng, với hơn 9.000 khách hàng được vay vốn để chi tiêu, tiêu dùng phục vụ đời sống (mua phương tiện sinh hoạt, đi lại và phục vụ các nhu cầu của cuộc sống…) với lãi suất ưu đãi.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: Đây là những kết quả về triển khai dịch vụ ngân hàng cho công nhân và người lao động, cũng như sử dụng nguồn lực chính sách để hỗ trợ người lao động. Hoạt động này mang lại nhiều ý nghĩa về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh trật tự xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động. Đây cũng là giải pháp căn bản góp phần hạn chế và phòng, chống “tín dụng đen”.

Hiệu quả từ việc triển khai các chính sách hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi cho công nhân, lao động là điều thấy rõ. Tuy nhiên, gần đây, nhiều đơn vị cũng như công nhân, lao động đang lo lắng khi không thể vay vốn lãi suất thấp vì vướng quy định của Ngân hàng Nhà nước về tiêu chí mức thu nhập thấp.

Cụ thể, trong Thông tư 33/2024/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước quy định, người lao động ở khu vực đô thị có mức thu nhập mỗi tháng từ 9 triệu đồng, ở khu vực nông thôn từ 7 triệu đồng không thể vay vốn tổ chức tài chính vi mô (chuyên cung cấp khoản vay quy mô nhỏ, không yêu cầu thế chấp). Đây là trở ngại rất lớn khiến nhiều công nhân có nhu cầu vốn thực sự để cải thiện đời sống đã “rơi” ra ngoài “lưới” an sinh.

Trong khi nhiều công nhân, lao động làm việc ở vùng Đông Nam Bộ phải ở trọ, đời sống còn nhiều khó khăn, chưa có tích lũy, chính sách cần có sự ưu tiên cho nhóm này được vay lãi suất thấp từ các nguồn tài chính vi mô. Tiêu chí để được vay vốn từ tổ chức tài chính này không nên “cứng” ở mức thu nhập 7 và 9 triệu đồng/tháng mà cần có các quy định mở như là người nhập cư, thuê trọ, có người phụ thuộc... để xem xét cho vay. Ngoài ra, mức vay tối đa nên nâng lên 100 triệu đồng thay vì 50 triệu đồng như hiện nay để phù hợp với đặc điểm, đời sống kinh tế của các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong bối cảnh hiện nay, các tổ chức tài chính vi mô, các ngân hàng thương mại cần tiếp tục công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách; tư vấn hướng dẫn sử dụng dịch vụ; cung cấp các gói tín dụng để hỗ trợ công nhân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi nhanh chóng, thuận tiện nhằm giúp công nhân cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống trong hiện tại và tương lai.