Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến nền giáo dục số

Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Bộ tiêu chuẩn công nhận trường học số trên địa bàn thành phố. Ðây là căn cứ để đánh giá, công nhận cơ sở giáo dục đạt chuẩn trường học số nhằm thực hiện thắng lợi công trình Thành phố Hồ Chí Minh có 50 trường học số chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Thành phố Hồ Chí Minh trong giờ học Chương trình trí tuệ nhân tạo.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Thành phố Hồ Chí Minh trong giờ học Chương trình trí tuệ nhân tạo.

Bộ tiêu chuẩn cũng là công cụ để cơ quan quản lý đánh giá thực trạng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở giáo dục, đồng thời là mục tiêu, định hướng để các cơ sở giáo dục triển khai chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin tại đơn vị, mạnh mẽ thay đổi phương thức tổ chức hoạt động giáo dục, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.

Một cơ sở giáo dục để được công nhận là trường học số phải đáp ứng sáu tiêu chuẩn lớn: Thể chế số; cơ sở vật chất, hạ tầng số; dữ liệu số; nhân lực số; quản trị và điều hành số; giáo dục số.

Cụ thể, về thể chế số có năm tiêu chí để đánh giá việc triển khai các quy định, quy trình và hướng dẫn nhằm bảo đảm triển khai và sử dụng công nghệ số trong giáo dục hiệu quả, an toàn.

Ðối với tiêu chuẩn cơ sở vật chất, hạ tầng số, cơ sở giáo dục phải bảo đảm trang bị đầy đủ cơ sở vật chất và các công nghệ cần thiết để hỗ trợ dạy, học hiệu quả trong thời đại số. Trong đó, bao gồm trang bị đầy đủ thiết bị trong phòng học, xây dựng và vận hành các hệ thống quản lý và lưu trữ dữ liệu phục vụ cho các hoạt động học tập và giảng dạy trên môi trường số.

Tiêu chuẩn dữ liệu số quy định trường học số phải bảo đảm dữ liệu học sinh, nhân sự, trường học, cơ sở vật chất, học liệu số đạt yêu cầu "đúng, đủ, sạch, sống" làm nền tảng cho các hoạt động tổng hợp, phân tích, thống kê, báo cáo và hỗ trợ đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu.

Trường học số cũng phải bảo đảm có đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên được trang bị các kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, an toàn thông tin cần thiết và được phân công tham gia hoạt động trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Triển khai hệ thống quản trị nhà trường với đầy đủ các phân hệ quản lý nhân sự; quản lý học sinh; tuyển sinh đầu cấp; thu phí dịch vụ giáo dục không dùng tiền mặt; quản lý cơ sở vật chất, thiết bị; quản lý hồ sơ kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý thi đua khen thưởng; quản lý kết nối giữa gia đình và nhà trường, nhà trường và xã hội; quản lý thông tin y tế trường học, sức khỏe học sinh.

Ðối với tiêu chuẩn giáo dục số, để được công nhận là trường học số, trường học phải triển khai mô hình học tập kết hợp giữa phương pháp dạy học trực tiếp và trực tuyến thông qua môi trường số như triển khai hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS); triển khai hệ thống quản lý nội dung học tập trực tuyến (LCMS); tỷ lệ học sinh tham gia vào các hoạt động giáo dục trực tuyến; tỷ lệ giáo viên xây dựng bài giảng tương tác cho môn học/hoạt động giáo dục.

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh cũng ban hành quy định về phòng studio xây dựng học liệu số; phòng học số (di động hoặc cố định); phòng thí nghiệm hiện đại, phòng thí nghiệm STEAM, ứng dụng thí nghiệm mô phỏng...

Bộ tiêu chuẩn áp dụng đối với các trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Ðây là tiền đề quan trọng để các cơ sở giáo dục làm căn cứ đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học, hướng đến hội nhập với nền giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, chuyển đổi số trong giáo dục là quá trình thay đổi cả về tư duy, cách thức hành động của cá nhân và vận hành của tổ chức trong hệ thống giáo dục. Do đó, để chuyển đổi số thành công cần có một chiến lược chuyển đổi số đúng đắn, cần đầu tư hệ thống công nghệ đồng bộ với các nền tảng số phục vụ hiệu quả cho hoạt động giáo dục.

Các trường học nói riêng, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh nói chung cần đưa ra các giải pháp chuyển đổi số đồng bộ, dài hạn, có tính kế thừa… để xây dựng hệ thống giáo dục số bền vững.