Nuôi mực thương phẩm trong môi trường bán tự nhiên ở Ninh Thuận

Câu chuyện anh Nguyễn Bá Ngọc, sinh năm 1989 ở xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) được coi là người đầu tiên của Việt Nam thành công trong đầu tư nuôi mực sinh sản, mực thương phẩm trong môi trường bán tự nhiên trên biển, thu lợi nhuận cả tỷ đồng/năm, đang thu hút nhiều thanh niên tìm đến học hỏi kinh nghiệm để khởi nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Lồng nuôi mực thương phẩm trong môi trường bán tự nhiên bằng công nghệ nhựa HDPE, rộng gần 3.000m2 của Công ty cổ phần Mực nhảy Biển Đông.
Lồng nuôi mực thương phẩm trong môi trường bán tự nhiên bằng công nghệ nhựa HDPE, rộng gần 3.000m2 của Công ty cổ phần Mực nhảy Biển Đông.

Đầu tháng 4, chúng tôi về làng biển xã Thanh Hải, nghe anh Nguyễn Bá Ngọc chia sẻ về thành quả lao động của mình, đồng thời mục sở thị cái lồng nuôi mực trong môi trường bán tự nhiên trên biển lớn nhất nước của anh.

Từ một nông dân, anh Ngọc đã mất hơn 10 năm lặn lội đến hàng chục tỉnh, thành phố trong nước, trải qua nhiều công việc vất vả để mưu sinh và tích lũy kinh nghiệm khởi nghiệp. Đến cuối năm 2019, anh và vài người bạn cùng ý tưởng đã mạnh dạn thành lập Công ty cổ phần Mực nhảy Biển Đông do anh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị để tổ chức thu mua mực còn tươi sống ngay trên tàu và vận chuyển, cung ứng cho khách hàng tại các tỉnh, thành phố khu vực phía nam. Mực là một trong những loại hải sản có đặc tính rất khó bảo quản tươi sống sau khi khai thác, nếu bảo quản thành công sẽ đem lại lợi nhuận cao.

Sau hàng chục lần thử nghiệm thất bại, anh Ngọc nghĩ cách giữ cho mực còn sống trên tàu bằng cách làm một cái lồng kín có lắp đặt thiết bị sục khí ô-xy trên các tàu, thuyền của ngư dân và trên ô-tô tải vận chuyển. Giải pháp này đã thành công, nhờ đó, công ty đã vận chuyển mực hoàn toàn tươi sống đến khách hàng, đem lại thu nhập cao. Thương hiệu công ty ngày càng lan tỏa trên thị trường, đơn đặt hàng ngày càng nhiều.

Lúc này, anh Ngọc liền nghĩ đến việc phải chủ động nguồn để cung ứng mực thương phẩm tươi sống cho thị trường. Đầu năm 2021, anh tìm đến vùng biển xã Thanh Hải để nghiên cứu và thí điểm việc nhân giống mực sinh sản, mực thương phẩm trong môi trường bán tự nhiên trên biển.

Sau 2 năm theo dõi quá trình mực biển sinh sản trong tự nhiên, anh thấy phần lớn trứng mực chưa đến thời kỳ nở cứ trôi bập bềnh dưới nước bỗng trở thành thức ăn của các loài hải sản khác, khiến số lượng trứng nở thành mực con rất ít. Anh bắt đầu thực nghiệm phương pháp thu vớt trứng mực trong tự nhiên đem về thả trong lồng nuôi rộng khoảng 70 m2 được thả ngập xuống biển khoảng chục mét giữa vùng biển Thanh Hải để giữ cho trứng nở.

Chiếc lồng do anh thiết kế kỹ thuật, gồm: Khung lồng làm bằng ống nhựa HDPE (High Density Polyethylene), loại nhựa nhiệt dẻo làm từ dầu mỏ, cấu trúc phân tử mật độ cao nên dày và cứng, sức chống chịu va đập tốt hơn nhiều so với nhựa PE thông thường.

Ống nhựa HDPE vừa là khung vừa là phao để giữ cho chiếc lồng không bị sóng biển gây hư hại. Chung quanh khung lồng được bao lưới với nhiều kích cỡ tùy theo từng mốc thời gian để bảo vệ an toàn cho trứng và mực con sau khi nở sinh trưởng ổn định mà không bị các loại hải sản khác xâm hại.

Bằng phương pháp nêu trên, sau khoảng 10 tháng nuôi (tính từ lúc thả trứng đến khi trứng nở ra mực con và sinh trưởng trong môi trường bán tự nhiên), đạt trọng lượng từ 1kg trở lên/con.

Để tăng sản lượng trong môi trường nuôi bán tự nhiên, hơn 90% số lượng trứng mực được thu vớt ban đầu và thả trong lồng nuôi giữa biển (từ năm 2021-2022) đã nở mực con, nhưng anh Ngọc không bán sản phẩm mà vẫn tiếp tục giữ nuôi trong lồng để tạo nguồn giống.

Sau gần một năm, khi lứa nuôi đầu tiên đẻ trứng, anh Ngọc đã liên kết với các chủ trang trại sản xuất tôm giống ở địa phương thực hiện việc ấp trứng nở thành mực con và sau khoảng một tháng tuổi thì đưa mực con trở lại lồng trên biển để nuôi thương phẩm.

Tính đến năm 2023, anh Ngọc đã nuôi thành công 40.000 con mực thương phẩm trong môi trường bán tự nhiên tại vùng biển thuộc khu vực C3, huyện Ninh Hải, thu lợi hơn 1 tỷ đồng.

Đầu năm 2024, Công ty cổ phần Mực nhảy Biển Đông tiếp tục đầu tư 6 tỷ đồng, làm và hạ thủy chiếc lồng nuôi mực thương phẩm trong môi trường bán tự nhiên bằng công nghệ nhựa HDPE, rộng gần 3.000m2 (đường kính 61m, thể tích hơn 30.000m3). Hiện, đây là lồng nuôi lớn nhất Việt Nam và cũng là chiếc lồng được thiết kế, thi công bằng công nghệ HDPE lớn nhất thế giới.

Anh Nguyễn Bá Ngọc, chia sẻ: “Lồng nuôi do chính anh thiết kế theo quy chuẩn Na Uy, nhưng kinh phí chỉ bằng 1/3 so với lồng nuôi của nông dân nước bạn đầu tư. Lồng nuôi có thể chống chọi được sóng biển cấp 8, cấp 9. Tuy chi phí ban đầu cao nhưng ưu điểm của nuôi mực bán tự nhiên là ít tốn công chăm sóc. Mực càng lớn thì càng ít cho ăn vì đã có thức ăn trong môi trường biển và chất lượng mực không thua kém gì mực ngoài tự nhiên”.

Tại khu vực biển C3 ở xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải không có gió bão, thảm thực vật ở đáy biển sạch, là nơi lý tưởng để mực trong môi trường tự nhiên đẻ trứng và điều kiện tự nhiên rất phù hợp để nuôi mực sinh sản, mực thương phẩm trong môi trường bán tự nhiên.

Anh Nguyễn Bá Ngọc đang tiếp tục hoàn thiện một lồng nuôi khác theo thiết kế hình vuông, rộng hơn 2.300 m2. Điểm mới của chiếc lồng này là anh đã thiết kế thêm một chiếc lồng nhỏ, rộng 1.000 m2 đặt bên trong chiếc lồng lớn, để vừa nuôi tôm ở lồng bên trong, vừa nuôi mực trong chiếc lồng lớn bên ngoài.

Anh Ngọc tâm sự: “Tôi mong muốn sớm được các cấp chính quyền tạo điều kiện cấp quỹ nước để có điều kiện đẩy mạnh liên kết với người dân với mục tiêu cùng phát triển ngành nuôi thủy sản trên biển, sớm hiện thực hóa giấc mơ nâng cao giá trị kinh tế cho ngành nuôi biển Việt Nam”