Hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản đúng quy định

Dự kiến trong quý II/2024, Đoàn công tác của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 5 sang Việt Nam kiểm tra chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Nhằm tiếp tục khắc phục các hạn chế trong công tác phòng chống khai thác IUU, tỉnh Bình Thuận đã kiểm tra, kiểm soát, hỗ trợ ngư dân kinh phí để bảo đảm khai thác hải sản đúng quy định.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại cảng cá Phan Thiết kiểm tra tàu cá trước khi ra khơi.
Cán bộ Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại cảng cá Phan Thiết kiểm tra tàu cá trước khi ra khơi.

Tăng cường kiểm tra

Trong những ngày đầu năm 2024, nhiều tàu, thuyền cập cảng cá Phan Thiết (Bình Thuận) để mang về hải sản, chuẩn bị “hành trang” ra khơi. Lực lượng của Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại cảng cá Phan Thiết gồm: Thanh tra thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận), Bộ đội Biên phòng, nhân viên cảng cá cùng đi kiểm tra từng tàu về số lượng đánh bắt, vùng biển, thiết bị định vị… Cụ thể, lực lượng chức năng kiểm soát tàu cá ra vào, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng; bảo đảm hồ sơ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản đầy đủ, lưu trữ có hệ thống, dễ truy cập, đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc theo chuỗi. Văn phòng chủ động, phối hợp kiểm tra, kiểm soát nguyên liệu thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu; hướng dẫn các doanh nghiệp thu mua, chế biến thủy sản thực hiện đúng quy trình về thu mua, nhập khẩu nguyên liệu thủy sản và phòng chống khai thác IUU.

Để bảo đảm khai thác hải sản đúng quy định, thuyền trưởng Lê Văn Ánh, điều khiển tàu cá BTh-95986-TS cùng các thuyền viên kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, giấy phép hoạt động, động cơ, thiết bị đánh bắt… trước khi ra khơi. Khi thuyền ra khơi, lực lượng tại Trung tâm Giám sát tàu cá (Ban Chỉ đạo Chống khai thác IUU tỉnh Bình Thuận) theo dõi, quan sát định vị từng tàu. Khi phát hiện tàu cá chuẩn bị đánh bắt sai vùng biển, lực lượng sẽ nhanh chóng phát bộ đàm cảnh báo. Đối với tàu cá mất kết nối báo cáo hành trình, nhân viên trung tâm sẽ tìm cách liên hệ với tàu gần đó để báo lại qua tổng đài. Trong năm 2023, trung tâm phát hiện, kêu gọi 32 lượt tàu cá vượt ranh giới trên biển kịp thời quay lại vùng biển Việt Nam và cảnh báo, nhắc nhở hàng trăm lượt tàu cá mất kết nối VMS trên biển.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, các biện pháp quyết liệt đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Ngoài vụ 1 tàu cá vi phạm, bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ đầu năm, năm 2023 không phát sinh thêm tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Từ đầu năm 2023 đến nay, Chi cục Thủy sản xử lý 368 vụ, với số tiền phạt hơn 3.487 triệu đồng với các hành vi vi phạm: Sử dụng tàu cá không đăng ký, không đăng ký lại; không có giấy phép khai thác thủy sản; không có chứng chỉ thuyền, máy trưởng; trang bị không đầy đủ trang thiết bị an toàn tàu cá; hoạt động sai nghề ghi trong giấy phép,… Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xử lý 185 trường hợp với số tiền hơn 625 triệu đồng; Ủy ban nhân dân tỉnh xử phạt 2 vụ với tổng số tiền là 1,8 tỷ đồng.

Hỗ trợ ngư dân kinh phí

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Chiến cho biết: Tỉnh tăng cường phối hợp với các tỉnh khác giám sát các tàu cá. Để hỗ trợ và khuyến khích ngư dân lắp đặt, duy trì tín hiệu VMS, phục vụ chống khai thác IUU, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá, với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/thiết bị. Tính đến nay, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho 1.745 tàu cá. Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đang xây dựng Nghị quyết trình Hội đồng nhân dân tỉnh hỗ trợ trước cước phí thuê bao VMS.

Tập trung cao điểm chống khai thác IUU và chuẩn bị làm việc với EC lần thứ 5, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đề nghị các đơn vị lưu ý hoạt động của các tàu câu khơi tại địa bàn: La Gi, Phú Quý, Hàm Tân... vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn; phối hợp lực lượng chức năng các tỉnh quản lý, kiểm soát chặt chẽ tàu cá hoạt động, lưu trú ngoài tỉnh. Đơn vị tiếp tục rà soát hồ sơ, xử phạt dứt điểm các trường hợp vi phạm còn thời hạn, thời hiệu, hoàn thành trước ngày 30/4/2024 và điều tra, truy tố các hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác trái phép vùng biển nước ngoài.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải cho biết: Trung tâm giám sát tàu cá tỉnh theo dõi, giám sát 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá. Các tàu không báo cáo vị trí 6 tiếng một lần, mất kết nối quá 10 ngày không đưa tàu về bờ, mất kết nối trên 6 tháng, lực lượng kịp thời thông báo, yêu cầu tàu vượt ranh giới quay về vùng biển Việt Nam; thiết bị VMS hư hỏng duy trì liên lạc và quay về bờ sửa chữa theo quy định và lập danh sách theo dõi, xử lý đến cùng vụ việc vi phạm. Các đơn vị giám sát sản lượng, truy xuất nguồn gốc, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác theo đúng quy định, đặc biệt tập trung vào các loài cá ngừ vây vàng, mắt to, cá cờ kiếm; nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp hợp thức hóa hồ sơ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản; bảo đảm 100% tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác tại cảng cá phải bảo đảm về nhật ký khai thác, dữ liệu VMS, sản lượng và thành phần loài phù hợp với nghề khai thác. Đặc biệt lưu ý đối với các trường hợp chuyển tải trên biển, sản lượng đối với loài cá ngừ vây vàng, mắt to, cá cờ kiếm... cần phải theo dõi, kiểm soát chặt chẽ. Lực lượng chức năng rà soát các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh bảo đảm 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường EU không vi phạm IUU. Đặc biệt, lực lượng kiểm ngư phối hợp với lực lượng biên phòng tăng cường thực thi pháp luật, xử lý nghiêm, triệt để theo quy định các tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác thủy sản, tàu cá không thực hiện sang tên, đổi chủ theo quy định ■