Làm giàu từ quả nhàu

Chị Nguyễn Thị Dung (phường Hòa An, Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) đã sử dụng trái nhàu để tạo ra các sản phẩm ở mảng thực phẩm, mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm thảo dược thương hiệu Adeva Noni. Năm 2023, chị đã có được 4 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu TP Đà Nẵng.
0:00 / 0:00
0:00
Chị Nguyễn Thị Dung bên những sản phẩm của mình.
Chị Nguyễn Thị Dung bên những sản phẩm của mình.

Đa dạng sản phẩm

Công việc trước đây của chị Dung có liên quan nhiều đến khách hàng Hàn Quốc và thấy họ thường hay hỏi về các sản phẩm trái nhàu để mua.

Sau khi tìm hiểu, chị thấy rằng trái nhàu không chỉ phục vụ trong thực phẩm, mà còn nhiều công dụng khác dùng cho mỹ phẩm, sức khỏe. Biết vậy, chị quyết tâm thử làm các sản phẩm thực phẩm từ trái nhàu như: bột nhàu, nhàu sấy khô, nước cốt trái nhàu, viên nhàu.

Chị Dung đầu tư nhà xưởng cùng hệ thống máy móc hiện đại tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Lúc đầu, sản phẩm được tiêu thụ tốt bởi nguồn khách du lịch Hàn Quốc nhiều. Trái nhàu bên cạnh việc lưu giữ được lâu, thì còn không hề có sâu bệnh, nên trong lúc trồng không cần phải phun thuốc bảo vệ. Cây nhàu cũng hợp thổ nhưỡng, cho thu nhập quanh năm.

Sau bước đầu thuận lợi, chị liên kết cùng một hợp tác xã ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) để trồng 0,5ha cây nhàu làm vùng nguyên liệu. Dưới gốc nhàu xen canh trồng ngải cứu, tía tô, lá lốt, sả, đinh lăng... tận dụng hết tất cả để tạo ra sản phẩm như túi chườm cho spa, túi ngâm chân...

Mỗi tháng, nhàu sẽ được thu hoạch 1 lần và được cơ sở của chị Dung bao tiêu hoàn toàn, góp phần giúp người dân có thu nhập ổn định.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, mọi việc bắt đầu trở nên khó khăn khi các kênh như spa, sân bay, siêu thị đặc sản Hàn Quốc đều trả hàng về, khách du lịch dần vắng bóng.

Lúc đó, chị Dung nhớ ra, quả nhàu có thể làm ra nhiều sản phẩm khác, không chỉ mỗi nhóm ngành thực phẩm. Nhà xưởng có sẵn, công nhân không thể để nghỉ việc, nguồn nguyên liệu cũng đã trồng thì phải xử lý, vì vậy, chị chuyển hướng đi mới với dòng mỹ phẩm.

Tài liệu về nhàu ở Việt Nam khá ít, chủ yếu chỉ nói về công dụng trong điều trị bệnh xương khớp. Các sách đông y, tây y, sách cổ truyền cũng không đi sâu hơn.

Chị tìm hiểu tài liệu đã nghiên cứu ở nước ngoài, được biết trái nhàu còn có các công dụng như chống lão hóa, phục hồi da; đồng thời, sau khi kết hợp với 2 dược sĩ để dịch tài liệu và triển khai làm thử, thì dòng mỹ phẩm Adeva Noni cũng dần ra đời với sản phẩm như toner, sữa rửa mặt, kem dưỡng...

Mong muốn sử dụng hết nguồn nguyên liệu sẵn có, chị làm thêm dòng hóa mỹ phẩm: Dầu gội, dung dịch vệ sinh, nước tắm cho trẻ em... Việc kết hợp nhiều loại cây lược liệu với trái nhàu đã mang lại nhiều công dụng tốt cho sản phẩm.

Khẳng định thương hiệu

Từ đó, chị Dung cũng dần thay đổi cách tiếp cận thị trường, đẩy mạnh thêm vào bán hàng trên sàn thương mại điện tử và chú trọng nhiều vào khách nội địa. Sản phẩm Adeva cũng tham gia chương trình quảng bá sản phẩm, kết nối, hội chợ của thành phố Đà Nẵng và các địa phương khác.

Hiện giờ hiệu quả kinh doanh của thương hiệu Adeva đã khá ổn trở lại với cả hai kênh bán lẻ và bán sỉ.

Trong một lần đi Thái Lan du lịch, chị Dung lại nhận thấy sản phẩm kem đánh răng từ nhàu được bán cho khách mang về làm quà tặng. Tìm hiểu thấy nguyên liệu này mình đang có sẵn như nhàu, quế, đinh hương, cam thảo, trầu, cau..., cách làm cũng không quá khó nên chị lại về nghiên cứu để làm thử.

Với mục tiêu là khách tới Đà Nẵng sẽ mua kem đánh răng thảo dược về làm quà tặng, chị Dung đã phối hợp với đối tác có chuyên môn để cùng làm. Hiện nay, kem đánh răng thảo dược Atoka đã được đưa ra thị trường và cao điểm đã từng bán được 5.000 tuýp.

Mỗi tháng, xưởng của chị tiêu thụ từ 4-5 tấn nguyên liệu tươi; có khoảng 5.000 đến 10.000 sản phẩm được bán ra thị trường. Chị cũng đang tạo việc làm cho 8 lao động, và 3 người làm thời vụ. Công ty sử dụng phần mềm để quản lý.

Trên hệ thống, nhân viên chỉ cần nhập thông tin đầu vào, đầu ra và ở mỗi khâu xử lý, từ xa chị cũng có thể kiểm tra được mà không cần thường xuyên có mặt ở xưởng.

Chị Nguyễn Thị Dung chia sẻ: “Chừng đó năm, tôi vẫn thấy mình chưa phát triển được quá nhiều, khi vùng nguyên liệu còn có thể mở rộng hơn và vẫn chưa tiếp cận được hết với khách hàng. Tuy nhiên, những nỗ lực phát triển Adeva đã và đang dần được đón nhận. Tôi chỉ mong góp phần phát triển vùng nguyên liệu cho bà con và mọi người được sử dụng sản phẩm thảo dược tốt”.

Thời gian tới, Adeva đang cố gắng hoàn thiện dự án về đất đai để mở rộng vùng nguyên liệu trồng theo hướng hữu cơ, kết hợp làm mô hình điểm du lịch trải nghiệm. Các sản phẩm của Adeva gồm: Dầu gội, dung dịch vệ sinh, nước tắm cho bé và xà-bông “handmade” được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại Đà Nẵng.