Hà Tĩnh đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Năm 2023, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức, song kết quả giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội của tỉnh Hà Tĩnh. Dòng vốn chủ lực được bố trí, giải ngân kịp thời đã góp phần tích cực trong việc dẫn dắt, thu hút các nguồn lực đầu tư khác, tạo tính lan tỏa, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
0:00 / 0:00
0:00

Ba năm liên tục, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Hà Tĩnh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. “Để đạt được kết quả khích lệ này, đơn vị thường xuyên chú trọng công tác tăng cường kiểm tra, đôn đốc, bám sát đường găng tiến độ chi tiết để chỉ đạo, theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình thi công. “Ở mỗi dự án, hạng mục, chúng tôi yêu cầu nhà thầu phải có văn bản cam kết tiến độ thực hiện đối với từng hạng mục công trình, làm cơ sở để kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm việc vi phạm về tiến độ cũng như chất lượng công trình. Trường hợp cần thiết, chấm dứt hợp đồng và thay thế ngay các nhà thầu khác đủ năng lực để thực hiện hợp đồng”, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Hà Tĩnh Trần Văn Tùng chia sẻ.

Theo Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Hà Tĩnh, năm 2023, đơn vị thực hiện quản lý, điều hành tổng cộng 19 công trình, dự án với tổng nguồn vốn được bố trí hơn 317 tỷ đồng. Nhiều công trình giao thông quan trọng được hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác sử dụng, góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tiêu biểu như: Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh ĐT.553 đoạn từ Km49+900 - Km74+680 (đường Hồ Chí Minh vào Đồn 575, bản Giàng, huyện Hương Khê); Dự án đường nối Quốc lộ 1 đi Khu du lịch biển Kỳ Xuân (Kỳ Anh); Dự án cải tạo mặt đường, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đường Quang Trung đoạn từ đường Nguyễn Huy Lung đến cầu Hộ Độ và bổ sung 1 đơn nguyên cầu Hộ Độ…

Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh, kết quả giải ngân năm 2023 trên toàn tỉnh đạt gần 12.200 tỷ đồng, bằng 143% kế hoạch, trong đó giải ngân vốn do các bộ, ngành quản lý đạt 2.514 tỷ đồng (bằng 99% kế hoạch); vốn do địa phương quản lý đạt 9.681 tỷ đồng (bằng 161% kế hoạch). Hà Tĩnh tiếp tục nằm trong nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất của cả nước. Đáng chú ý, tỷ lệ giải ngân một số dự án lớn đạt kết quả cao, như: Đường vành đai phía đông, thành phố Hà Tĩnh 287 tỷ đồng (đạt 100%); đường vành đai phía nam Khu kinh tế Vũng Áng 218 tỷ đồng (đạt 99%); đường trục chính trung tâm nối Quốc lộ 1 đoạn tránh thị xã Kỳ Anh đến cụm Cảng nước sâu Vũng Áng-Sơn Dương 241 tỷ đồng (đạt 98%); Tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Thạch Hà, huyện Thạch Hà 146 tỷ đồng (đạt 100%); các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội 515 tỷ đồng (đạt 98%)… Nhờ đó, đã đóng góp vào phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh. Năm 2023, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Hà Tĩnh đạt 8,05%, cao hơn so với mức tăng trưởng năm 2022 (tăng 2,54%), xếp thứ 15 cả nước và cao nhất khu vực Bắc Trung Bộ. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 99.686 tỷ đồng, xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà cho biết, xác định đẩy mạnh giải ngân gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của các cấp, các ngành và cơ quan, đơn vị liên quan; tỉnh đã ban hành kịp thời nhiều văn bản chỉ đạo; tổ chức họp giao ban hằng tháng, họp chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công; thường xuyên kiểm tra thực tế tại hiện trường để nắm bắt và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc, nhất là về hồ sơ, thủ tục giải phóng mặt bằng; nguyên vật liệu, khoáng sản phục vụ thi công các dự án. Tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung quyết liệt hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công, đặc biệt là các dự án cao tốc bắc-nam, dự án liên vùng, dự án trọng điểm của tỉnh có tính chất lan tỏa lớn.

Năm 2023, tỉnh đã thực hiện rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án có tiến độ thực hiện chậm, tỷ lệ giải ngân không đạt yêu cầu để bố trí cho các dự án có tiến độ triển khai tốt, giải ngân nhanh, có khả năng hoàn thành trong năm 2023 nhưng chưa được bố trí đủ vốn với tổng số vốn 374,28 tỷ đồng. Nhờ đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đã được đẩy nhanh đáng kể. Theo các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, đến thời điểm hiện nay, mặc dù Trung ương chưa có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về việc xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn

2025-2030, nhưng để chủ động trong công tác lập kế hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các đơn vị, địa phương rà soát nhu cầu đầu tư của các dự án chuyển tiếp và khởi công mới giai đoạn 2025-2030 trên cơ sở định hướng, mục tiêu quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan, bảo đảm sẵn sàng các điều kiện cần thiết để triển khai ngay sau khi Trung ương có chỉ đạo ■