Thanh niên Hà Tĩnh phấn khởi, vững bước tòng quân

Tỉnh Hà Tĩnh xác định công tác tuyển quân là nhiệm vụ chính trị trọng tâm về quân sự, quốc phòng.
0:00 / 0:00
0:00
Việc tuyên truyền, triển khai công tác tuyển quân ở xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà được tổ chức chặt chẽ, chất lượng.
Việc tuyên truyền, triển khai công tác tuyển quân ở xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà được tổ chức chặt chẽ, chất lượng.

Những năm qua, địa phương đã phát huy tốt vai trò tham mưu của cơ quan quân sự; cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, chất lượng tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm sau luôn cao hơn năm trước; số lượng thanh niên tình nguyện lên đường nhập ngũ của tỉnh Hà Tĩnh luôn đứng đầu Quân khu 4.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Chúng tôi cùng đoàn công tác Ban Chỉ huy quân sự huyện Thạch Hà và đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương từ xã đến thôn thuộc xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà có mặt tại gia đình thanh niên Trần Văn Việt, thôn Thanh Quang, xã Thạch Lạc. Việt là một trong 23 thanh niên vừa khám tuyển cấp huyện đủ điều kiện nhập ngũ năm 2024.

Hiện nay, Việt đang làm nghề sửa chữa xe máy ở gần nhà, nguồn thu hằng tháng không cao nhưng là thu nhập chính cho gia đình... Việt tâm sự: “Sau khi được gặp gỡ tuyên truyền, động viên của các cấp; sự đồng ý của gia đình, tôi đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Tôi xác định đây là nhiệm vụ thiêng liêng của người thanh niên, cũng là cơ hội để bản thân rèn luyện, phấn đấu, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tôi sẽ có cơ hội phát triển bản thân và nghề nghiệp”.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thạch Lạc Lê Minh Sơn, để nâng cao chất lượng công tác tuyển quân thì vấn đề có tính quyết định đó là việc huy động cả hệ thống chính trị cùng thực hiện nhiệm vụ tuyển quân, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phối hợp quản lý nắm chắc nguồn thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ, coi đây là nhiệm vụ chính trị và là tiêu chí để bình xét, phân loại cuối năm.

Nhấn mạnh về vai trò nòng cốt của cơ quan quân sự địa phương trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp và trực tiếp tổ chức thực hiện công tác tuyển quân, Thượng tá Dương Ngọc Tiệp, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Để bảo đảm và không ngừng nâng cao chỉ tiêu về sức khỏe, ngay từ công tác sơ tuyển, các địa phương thành lập các tổ kiểm tra sức khỏe với đầy đủ các thành phần và chọn những người có chuyên môn, kinh nghiệm. Cùng với các biện pháp kỹ thuật, chính sách hậu phương quân đội cũng được các địa phương chú trọng thực hiện.

Như trước khi thanh niên nhập ngũ, địa phương kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm... và trích kinh phí của địa phương tặng quà. Nhiều địa phương đã tặng sổ tiết kiệm hơn 10 triệu đồng cho mỗi thanh niên nhập ngũ, địa phương ít cũng tặng 3-5 triệu đồng.

Quá trình tại ngũ, nếu gia đình quân nhân có việc khó khăn cần giúp đỡ, địa phương sẽ cử lực lượng dân quân, đoàn viên, thanh niên... đến chia sẻ, giúp đỡ. Khi thanh niên hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, cấp ủy, chính quyền phối hợp với các trường dạy nghề tư vấn học nghề, tạo công việc cho thanh niên...

Khẳng định trách nhiệm của địa phương trong công tác tuyển quân, đồng chí Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạch Hà cho biết: “Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ để nâng cao chất lượng thanh niên nhập ngũ, nhất là trong khâu quản lý nguồn và khám tuyển.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm công tác hậu phương quân đội như: Làm nhà ở cho gia đình chính sách; hỗ trợ các gia đình quân nhân tại ngũ có hoàn cảnh khó khăn; tạo việc làm cho quân nhân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự...

Vì vậy, những năm qua, chất lượng thanh niên nhập ngũ của huyện Thạch Hà không ngừng được nâng lên; số lượng thanh niên tình nguyện lên đường nhập ngũ ngày càng tăng”.

Tiếp bước cha anh, lên đường nhập ngũ

Thanh niên Nguyễn Đức Mạnh, sinh năm 2005, quê ở thôn Phúc Tân, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc dù thi đậu và có giấy báo nhập học của hai trường đại học, nhưng vẫn tạm gác việc học, viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Anh Nguyễn Quốc Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Song Trường là bố đẻ của Nguyễn Đức Mạnh cùng với vợ luôn đồng hành, cổ vũ, động viên con trai vào quân ngũ để được rèn luyện, trưởng thành.

Bày tỏ nguyện vọng của mình, Nguyễn Đức Mạnh tâm sự: “Tình nguyện làm đơn tham gia nghĩa vụ quân sự đợt này là môi trường tốt để em trưởng thành hơn, hai năm trui rèn, đủ chín chắn, trưởng thành, em lại tiếp tục thực hiện ước mơ đại học”.

Thanh niên Phạm Đình Công, sinh năm 2004, ở thôn Minh Lạng, xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ lại có hoàn cảnh kém may mắn hơn bạn bè cùng trang lứa. Bố mẹ ly hôn khi em còn nhỏ, mẹ em vào miền nam làm công nhân, em được bà ngoại nuôi ăn học.

Mặc dù thi đậu và đang học năm thứ 2 Trường đại học Công nghệ thông tin Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên em phải gác lại việc đèn sách và tình nguyện viết đơn nhập ngũ với mong muốn được khoác trên mình màu xanh áo lính.

“Môi trường quân đội sẽ là trường học lớn để em phấn đấu rèn luyện trưởng thành hơn. Sau này hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về sẽ được quan tâm bảo đảm chế độ chính sách, lại có thẻ học nghề, em sẽ đăng ký đi học để kiếm việc làm lo tương lai”, Phạm Đình Công tâm sự.

Đại tá Mai Ngọc Việt, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cho hay: “Khi viết đơn tình nguyện nhập ngũ, các thanh niên không chỉ thể hiện tình cảm, trách nhiệm của tuổi trẻ mà còn khơi dậy ước mơ, hoài bão vươn lên học tập, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, đồng thời góp phần đẩy lùi những biểu hiện lệch lạc trong nhận thức, thái độ, hành vi của một bộ phận thanh niên”.

Gác lại những dự định, ước mơ riêng của mình, nhiều thanh niên trên mọi miền quê Hà Tĩnh, với hoàn cảnh, điều kiện khác nhau, đều sẵn sàng thực hiện trách nhiệm thiêng liêng với Tổ quốc.