Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 40 dự án thủy điện nằm trong quy hoạch, với tổng công suất thiết kế hơn 1.775 MW, điện lượng trung bình năm theo thiết kế khoảng 6.183 triệu kWh. Trong đó, có 10 dự án thủy điện bậc thang do Bộ Công thương lập, thẩm định, phê duyệt và 30 dự án thủy điện vừa và nhỏ do tỉnh phê duyệt.
Cung cấp thêm nguồn điện cho quốc gia
Giám đốc Sở Công thương Đặng Bá Dự cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 29 công trình thủy điện trong quy hoạch đã vận hành phát điện, với tổng công suất thiết kế 1.574,36 MW, điện lượng trung bình năm theo thiết kế khoảng 5.503 triệu kWh; gồm 10 công trình thủy điện bậc thang và 19 công trình thủy điện vừa và nhỏ. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 4 công trình thủy điện nhỏ không thuộc quy hoạch, với tổng công suất 8,9 MW; các công trình này được đầu tư xây dựng từ rất lâu trước khi có các yêu cầu về thực hiện quy hoạch.
Với sự quyết tâm cao của chính quyền các địa phương và nỗ lực của ngành điện, đến nay, 100% số xã, phường, thị trấn thuộc 18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có điện và có 416.096 hộ dân có điện, đạt tỷ lệ 99,4%. Đáng mừng là, tổng sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng: Năm 2020 đạt 4.510 triệu kWh; năm 2021 đạt 5.142 triệu kWh (tăng 14% so với năm 2020); năm 2022 đạt 7.350 triệu kWh (tăng 42,94% so với năm 2021) năm 2023 đạt khoảng 7.500 triệu kWh (tăng 2% so với năm 2022).
Cùng với đó, tổng sản lượng điện thương phẩm cũng tăng lên hằng năm, cụ thể, năm 2020 hơn 2.004 triệu kWh; năm 2021 đạt hơn 2.228 triệu kWh; năm 2022 tiêu thụ 2.433 triệu kWh (tăng 9,2% so với năm 2021) và năm 2023 ước khoảng 2.480 triệu kWh (tăng 1,93% so với năm 2022).
Giai đoạn 2016-2021, các nhà máy điện trên địa bàn tỉnh đã cung cấp cho hệ thống điện quốc gia được 24,90 tỷ kWh, bình quân 4,15 tỷ kWh/năm. Dự kiến, đến năm 2025, tổng công suất nguồn điện trên địa bàn tỉnh khoảng 1.985 MW; trong đó, có 30 MW từ điện than, còn lại là từ nguồn thủy điện. Các dự án nguồn điện trên địa bàn tỉnh không những bảo đảm cung cấp năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn mà còn cung cấp thêm nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia.
Hướng đến phát triển bền vững
Qua khảo sát mới đây, các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thực hiện đầy đủ, bảo đảm quy định về chuyển mục đích sử dụng rừng và hoàn thành công tác trồng rừng thay thế theo các phương án được phê duyệt, với tổng diện tích hơn 1.300 ha. Các dự án ngành điện hiện nay, phần lớn nằm ở các khu vực miền núi cho nên ít nhiều đều có tác động đến các loại đất rừng, rừng, việc thực hiện các thủ tục về chuyển mục đích sử dụng đất, rừng, nhất là rừng tự nhiên sang mục đích khác ảnh hưởng rất lớn đến thời gian thực hiện đầu tư các dự án ngành điện.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, từ khi có Quyết định số 1865/QĐ-TTg (ngày 23/12/2019) của Thủ tướng Chính phủ về Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn (gọi tắt Quy trình 1865), các ngành chức năng của tỉnh đã chủ động tính toán và phối hợp với các chủ đập thủy điện xây dựng kế hoạch xả nước qua phát điện phù hợp với tình hình thời tiết, nguồn nước tại các hồ chứa thủy điện và nhu cầu sử dụng nước ở vùng hạ du. Tuy nhiên, hằng năm, do ảnh hưởng của triều cường, khu vực hạ du sông Thu Bồn thường xuyên bị mặn xâm nhập sâu vào nội địa, gây ảnh hưởng lớn đến nguồn nước ngọt cấp cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp tại các địa phương: Điện Bàn, Duy Xuyên và Hội An.
Mặt khác, thời gian qua, việc huy động các nhà máy thủy điện của đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện trong khi mực nước các hồ này không bảo đảm theo quy định tại Quy trình 1865, đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và sinh hoạt ở hạ du trong mùa cạn. Cùng với đó, hiện số lượng trạm quan trắc đo mưa trên lưu vực các hồ chứa thủy điện còn thưa; công tác dự báo lũ về hồ chưa kịp thời, cho nên đã ảnh hưởng rất lớn trong công tác tính toán vận hành điều tiết hồ trong mùa lũ và công tác cảnh báo ngập lụt vùng hạ du sông Vu Gia-Thu Bồn.
Hiện nay, tiến độ thực hiện một số dự án thủy điện chưa bảo đảm mục tiêu đề ra do nhiều nguyên nhân như: Vướng mắc về giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng, nhất là rừng tự nhiên. Do vậy, tỉnh đề nghị các bộ, ngành liên quan xem xét, rà soát, hoàn thiện và có hướng dẫn cụ thể nội dung, quy trình thủ tục thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện dự án. Đối với các dự án chiếm diện tích đất rừng tự nhiên nhỏ, đề xuất Chính phủ sớm phân cấp, ủy quyền, giao cho địa phương chủ động phê duyệt theo điều kiện thực tế.
Quảng Nam đề nghị Bộ Công thương tham mưu ban hành cơ chế tạo điều kiện để có thể thực hiện nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện truyền tải do ngành điện quản lý từ nguồn vốn khác nhằm đáp ứng nhu cầu truyền tải công suất của các dự án nguồn điện; đồng thời quan tâm xây dựng các cơ chế, hỗ trợ nguồn lực để có cơ sở đầu tư hạ tầng cấp điện nhằm tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội.