Quảng Bình nỗ lực phủ điện lưới cho bản làng vùng biên

Dịp Tết Nguyên đán 2024, các đơn vị của tỉnh Quảng Bình tổ chức đóng điện, cấp điện cho 2 xã biên giới Tân Trạch và Thượng Trạch, huyện Bố Trạch. Như vậy, sau nhiều năm chờ đợi và mong mỏi, điện lưới quốc gia đã lên với vùng biên cương Tổ quốc. Bà con người Ma Coong, A Rem ở đây đã được đón cái Tết rộn ràng và vui tươi hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Điện lực Quảng Bình tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào A Rem sử dụng điện lưới an toàn.
Công nhân Điện lực Quảng Bình tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào A Rem sử dụng điện lưới an toàn.

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Việt Hà cho biết, toàn tỉnh có 149 xã, phường, thị trấn với hơn 99% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia. Riêng 2 xã khu vực biên giới là Tân Trạch và Thượng Trạch ở vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng nên việc kéo điện lưới rất khó khăn do địa hình phức tạp, nguồn vốn lớn. Năm 2016, đồng bào A Rem, Ma Coong, Bru-Vân Kiều nơi đây đã sử dụng điện mặt trời, tuy nhiên do công suất nhỏ và thiết bị thường xuyên hư hỏng nên không hiệu quả.

Để tạo nguồn điện sử dụng ổn định cho nhân dân sử dụng lâu dài và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng, ngày 14/6/2022, tỉnh Quảng Bình đã khởi động dự án cấp điện lưới quốc gia cho 2 xã cuối cùng này. Dự án do Sở Công thương làm chủ đầu tư với tổng vốn là 110 tỷ đồng. Với sự quyết tâm cao của các đơn vị liên quan nên đến đầu tháng 2/2024, công trình được hoàn thành với khối lượng gồm 6 trạm biến áp 22/0,4kV, tổng công suất 450kVA; gần 45km đường dây trung thế, trong đó có 27,5km đi ngầm qua vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và 17,4km đường dây trên cao; đường dây hạ áp có chiều dài gần 8,2km.

Theo đại diện chủ đầu tư, việc tham gia thi công công trình dự án cấp điện lưới quốc gia cho 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch gặp nhiều khó khăn vì địa hình phức tạp, giao thông đi lại cách trở và đặc biệt là phải bảo đảm tuyệt đối về môi trường, an toàn cho Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Trong đó vất vả nhất là thi công ngầm 27,5km đường dây đi qua vùng lõi Di sản thiên nhiên thế giới. Hệ thống đá vôi là trở ngại lớn nhất nhưng bắt buộc không được dùng thuốc nổ để phá bỏ phục vụ công tác thi công công trình. Sử dụng máy khoan mũi lớn thì sợ tạo ra tiếng ồn làm ảnh hưởng đến các loài động vật của Vườn và làm hư hỏng mặt đường 20 Quyết thắng nên đơn vị thi công đành phải thực hiện phương án dùng mũi khoan nhỏ theo kiểu "mưa dầm thấm lâu".

Không chỉ là dự án cấp điện lưới đơn thuần mà việc đưa điện lên vùng biên giới phía tây Tổ quốc men theo tuyến đường 20 Quyết thắng - tuyến đường ngang lịch sử trong Di tích quốc gia đặc biệt đường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh - đã nhận được sự quan đặc biệt của lãnh đạo ngành điện và tỉnh Quảng Bình. Cùng với các nhà thầu, Công ty Điện lực Quảng Bình đã cử lực lượng, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ dự án một cách tích cực và trách nhiệm.

Ngoài 4 đợt chi viện của Công ty Điện lực tỉnh thì Điện lực huyện Bố Trạch đã huy động thêm 30 lượt cán bộ, nhân viên cùng với các phương tiện, thiết bị để kiểm tra, giám sát và nghiệm thu công trình. Bên cạnh đó, cán bộ, nhân viên Điện lực Bố Trạch còn đảm nhận thêm việc hỗ trợ lắp đặt, kết nối dây điện, bóng đèn thắp sáng trong từng hộ gia đình đồng bào A Rem tại bản Km39 xã Tân Trạch.

Sau khi hòa lưới điện thành công, có 81 hộ đồng bào A Rem bản Km39 và 13 địa điểm tại xã Tân Trạch cũng như trung tâm hành chính xã Thượng Trạch được sử dụng điện. Hệ thống điện lưới quốc gia còn cung cấp điện cho khu vực Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đường 20 Quyết thắng.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch Nguyễn Văn Đại vui mừng cho biết, hành trình băng rừng, vượt núi mang điện lưới quốc gia đến các bản vùng sâu, biên giới Tân Trạch, Thượng Trạch rất gian nan, vất vả nhưng đã thành công. Nguồn điện quốc gia đến với bản làng không chỉ là ánh sáng mà còn là niềm tin, kỳ vọng về sự đổi thay và một cuộc sống tốt đẹp hơn đến với đồng bào khu vực biên giới và cũng để tri ân các Anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống trên đường Trường Sơn huyền thoại.

Chiều 27 Tết khi đến dự lễ đóng điện, già làng Đinh Rầu ở xã Tân Trạch cầm tay các đại biểu xúc động nói: "Giờ phút ni, bà con mình được dùng ánh sáng điện quốc gia rồi. Ước mơ ngàn đời thành hiện thực, ánh sáng của Đảng đã về với dân bản".

Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã thông tin thêm, ngành điện đã trích từ quỹ phúc lợi hơn 300 triệu đồng hỗ trợ đồng bào A Rem ở Tân Trạch lắp đặt hệ thống điện sau công-tơ và thiết bị thắp sáng trong nhà. Đồng thời, công nhân điện lực hướng dẫn người dân làm thủ tục cấp điện, hỗ trợ kỹ thuật đấu nối sau công-tơ và tuyên truyền, hướng dẫn bà con đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng điện an toàn. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, bình quân mỗi hộ ở Tân Trạch được nhận tiền và các khoản với tổng trị giá 25 triệu đồng từ nguồn các chương trình bảo vệ rừng bền vững, chính sách bảo vệ rừng phòng hộ. Nhờ đó, bà con có điều kiện để mua sắm các vật dụng sử dụng điện phục vụ sinh hoạt của gia đình.

Đặc biệt, trong chuyến kiểm tra tình hình sản xuất, đời sống người dân 2 xã biên giới Tân Trạch và Thượng Trạch cuối tháng 2/2024, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng và lãnh đạo các sở, ngành trong tỉnh đã trao 600 triệu đồng hỗ trợ cho 2 địa phương để hoàn thành việc đưa điện lưới về các hộ và mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất và đời sống.

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Việt Hà cho biết thêm, do địa bàn dân cư khu vực biên giới phân bố cách xa nhau, địa hình phức tạp, trong khi nguồn vốn của dự án còn hạn chế nên nhiều bản ở xã Thượng Trạch sẽ được triển khai cấp điện trong thời gian tiếp theo. Có thể khẳng định rằng, thành công của dự án cấp điện lưới quốc gia tại 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch có ý nghĩa rất lớn và đầy tính nhân văn. Điện sáng giúp cuộc sống đồng bào khởi sắc, bản làng văn minh, đồng thời góp phần khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng đất biên cương phía tây của Tổ quốc.