Đánh thức tiềm năng Hòa Bắc

Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) là địa bàn vùng núi với nhiều khó khăn. Từ định hướng đúng của Đảng ủy xã về phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, xã Hoà Bắc đang đổi thay từng ngày, nâng cao đời sống người dân và phát huy bản sắc văn hóa của người Cơ Tu.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách nhí trải nghiệm chương trình du lịch học tập cộng đồng tại xã Hòa Bắc.
Du khách nhí trải nghiệm chương trình du lịch học tập cộng đồng tại xã Hòa Bắc.

Là vùng đệm nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Vườn quốc gia Bạch Mã và Bà Nà-Núi Chúa, địa hình Hòa Bắc vừa là yếu tố gây khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội, vừa là yếu tố tiềm năng trong phát triển du lịch. Những năm qua, nhiều cơ chế và chính sách từ thành phố đến địa phương ban hành đã mở ra một chương mới cho sự phát triển du lịch cộng đồng ở Hòa Bắc.

Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc Lê Thị Thu Hà cho biết, trong ba chương trình đột phá của nhiệm kỳ, phát triển kinh tế du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đưa Hòa Bắc trở thành xã du lịch sinh thái, cộng đồng của huyện Hòa Vang nói riêng, thành phố Đà Nẵng nói chung là một trong những hướng đi được xã xác định để nâng cao đời sống cho người dân.

Theo đó, thời gian qua, Đảng bộ và chính quyền xã Hòa Bắc đã hỗ trợ người dân tiếp cận cách thức quản lý và phát triển du lịch theo hướng bền vững, tiếp tục bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào Cơ Tu; đầu tư, nâng cấp toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn; hỗ trợ pháp lý về thủ tục đất đai đối với các điểm du lịch sinh thái tiềm năng của người gốc địa phương theo Nghị quyết 82/NQ-HĐND thành phố Đà Nẵng về thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang. Tất cả những việc này đã được triển khai thực hiện một cách đồng bộ.

Từ năm 2021 đến nay, Đảng bộ và chính quyền xã đã tập trung vận động nhân dân tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong đó việc thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc vào tháng 3/2023 là một điểm nhấn. Tính đến nay, Hòa Bắc có 21 điểm du lịch, trong đó có 5 điểm du lịch sinh thái và 16 điểm du lịch cộng đồng, lưu trú, thu nhập các điểm du lịch bình quân từ 30-40 triệu đồng/điểm/tháng, giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương với mức thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Chủ trương đúng và hành động quyết liệt đã góp phần thôi thúc sự tham gia của người dân trong phát triển du lịch cộng đồng. Trò chuyện với chị Đỗ Thị Huyền Trâm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc, chị chia sẻ, người dân Hòa Bắc đến với du lịch một cách rất tự nhiên như cái chất của người dân nông thôn. Lắng nghe ý kiến của khách rồi cùng bà con ngồi lại bàn bạc, củng cố sản phẩm du lịch từ chính nguồn nội lực nơi đây. Khi khách cần lưu trú thì mình làm homestay, cần đi dạo thì mình sắm xe đạp, cần trải nghiệm thì mình có du lịch học tập cộng đồng... để khi các chương trình thành công, thì các dự án lại về với mình. Du lịch Hòa Bắc phát triển một cách rất thuận thiên, không phá vỡ cảnh quan, môi trường, không nóng vội,

Cùng với sự nhiệt huyết, quyết liệt của chính quyền địa phương, Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc cũng đã nỗ lực thu hút và đào tạo người dân tham gia làm du lịch cộng đồng.

Đến nay, hợp tác xã có sự tham gia từ người dân, nhà quản lý đến doanh nghiệp và nhà khoa học với các tổ cộng đồng đa dạng (homestay, văn nghệ, nghề truyền thống, đan lát, dệt thổ cẩm,...) và mạng lưới cộng đồng sâu rộng từ thôn Tà Lang-Giàn Bí đến Nam Ô và các địa phương lân cận Hội An (Quảng Nam), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi); kết nối 175 thành viên với nhiều ngành nghề và độ tuổi khác nhau.

Ngoài việc tăng thu nhập cho bà con, hợp tác xã cũng đã nhìn nhận được mong muốn bình dị của những người nông dân nơi đây là được giao lưu, quan tâm và kết nối với tri thức khoa học thông qua du khách, các tổ chức giáo dục và các nhà nghiên cứu môi trường trong nước, quốc tế. “Đối với cộng đồng thì không cái nào bằng kinh tế, nhưng với một số thành viên nơi đây thì cái họ cần là tình cảm du khách dành cho, là niềm vui khi được thể hiện câu chuyện về kinh nghiệm làm nông hay trong đời sống hằng ngày của mình, hoặc với các bạn trẻ là cơ hội được giao lưu và trưởng thành...”, chị Trâm chiêm nghiệm từ quá trình làm việc với cộng đồng.

Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc Lê Thị Thu Hà chia sẻ: “Với nhiều thử nghiệm, có cái thành công, có cái thất bại nhưng những gì Hòa Bắc đang có là phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng. Mọi thứ chỉ mới bắt đầu, nhưng chính sách ngày một hoàn thiện, sản phẩm ngày một đa dạng”.