Cách làm hay của Quảng Trị

Nhằm góp phần thực hiện tốt hơn nữa Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh Quảng Trị có cách làm hay nhằm hỗ trợ kinh phí cho nhiều đối tượng chính sách đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Thanh niên người dân tộc thiểu số huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tại buổi giao lưu đối thoại đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng.
Thanh niên người dân tộc thiểu số huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tại buổi giao lưu đối thoại đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng.

Tỉnh Quảng Trị có dân số gần 648.000 người, lực lượng lao động chiếm hơn 51% tổng số dân. Những năm qua, công tác đưa người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng đã được các cấp, ngành, đoàn thể, các địa phương của tỉnh đặc biệt quan tâm. Nhiều lao động là thân nhân người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập ổn định.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, giai đoạn từ năm 2016 đến cuối năm 2023, tỉnh Quảng Trị đã đưa được gần 14 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở các thị trường như: Hàn Quốc, Nhật Bản và Ðài Loan (Trung Quốc)... có thu nhập cao hơn hẳn so với lao động trong nước, lượng kiều hối chuyển về quê nhà từ những đối tượng này tăng dần theo từng năm, góp phần vào công cuộc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, theo thống kê đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Quảng Trị có 41.415 hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số với 181.948 người, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 94.612 người, chiếm 52% tổng nhân khẩu đối tượng thuộc diện hưởng chính sách. Ngoài ra, số lượng người thuộc lực lượng vũ trang xuất ngũ, học sinh tốt nghiệp THPT, sinh viên ra trường chưa tìm được việc làm, lao động đi làm việc ở nước ngoài hết hạn hợp đồng về nước chưa tìm được việc làm ngày càng nhiều. Tỷ lệ hộ nghèo tuy đã giảm nhưng chưa thật sự bền vững, nhiều hộ đã thoát nghèo song mức thu nhập thấp, khả năng tái nghèo cao. Trước tình hình này đòi hỏi tỉnh cần có giải pháp tích cực, chính sách hiệu quả hơn nữa đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Vì vậy, mới đây Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị đã thông qua Nghị quyết số 119/2023/NQ-HÐND, cụ thể nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 đến 31/12/2026 nhằm hỗ trợ thân nhân người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số; người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo; lực lượng vũ trang xuất ngũ trên địa bàn tỉnh tham gia làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng và khi hết hạn hợp đồng trở về nước có giao kết hợp đồng lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị Lê Nguyễn Huyền Trang cho biết, Nghị quyết số 119 ngoài nội dung tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động thuộc đối tượng chính sách, thì còn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sau khi về nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho mình và cho người khác, được vay vốn ưu đãi để hoạt động theo quy định của pháp luật. Ðồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên tiếp nhận và tuyển dụng người lao động về nước vào làm việc; hướng dẫn, giới thiệu người lao động đăng ký tìm việc làm phù hợp.

Theo đó, từ ngày 1/1/2024 đến 31/12/2026, tỉnh Quảng Trị sẽ hỗ trợ 750 người thuộc các đối tượng nêu trên đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng; 93 người lao động là lực lượng vũ trang xuất ngũ được vay vốn làm chi phí đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng và 450 người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng, hết hạn trở về nước, tìm được việc làm tại tỉnh Quảng Trị.

Các đối tượng được hỗ trợ phải là cá nhân thường trú hợp pháp tại tỉnh Quảng Trị; có thông báo xuất cảnh của cơ quan có thẩm quyền (trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/12/2026); có hợp đồng lao động với các doanh nghiệp, đơn vị được cấp có thẩm quyền cấp phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc hợp đồng của người lao động giao kết trực tiếp với người sử dụng lao động ở nước ngoài; được cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận hoặc xác nhận hoàn thành khóa học nghề/bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết/giáo dục định hướng để đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động phải có cam kết thực hiện đúng các quy định khi nhận được hỗ trợ của chính sách, không vi phạm hợp đồng lao động và pháp luật của nước sở tại; về nước đúng thời hạn. Nếu người lao động không thực hiện đúng cam kết thì phải hoàn trả kinh phí cho ngân sách.

Các đối tượng gồm thân nhân người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số; người lao động thuộc hộ nghèo khi tham gia đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng sẽ được hỗ trợ tiền một lần theo từng thị trường lao động, như sau: Nhật Bản: 10.000.000 đồng/người; Hàn Quốc: 7.000.000 đồng/người; Ðài Loan (Trung Quốc): 7.000.000 đồng/người; ở thị trường khác: 5.000.000 đồng/người. Người lao động thuộc lực lượng vũ trang xuất ngũ trong thời gian 12 tháng; người lao động thuộc hộ cận nghèo khi tham gia làm việc nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ 70% theo các mức trên.

Ngoài ra, đối tượng là lực lượng vũ trang đã xuất ngũ được vay 100% vốn tín chấp nhằm sử dụng vào việc chi trả thực tế các khoản chi phí, lệ phí hợp pháp cần thiết để đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng (không bao gồm tiền ký quỹ). Nghị quyết số 119 còn quy định hỗ trợ một lần chi phí cho hoạt động tìm kiếm, kết nối việc làm thành công trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cho đối tượng lao động hết hạn hợp đồng trở về nước là 2.500.000 đồng/người.

Theo bà Lê Nguyễn Huyền Trang, Nghị quyết số 119 có ý nghĩa rất nhân văn, đã kịp thời khắc phục những hạn chế trong thực tiễn, từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế về nguồn nhân lực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng nguồn thu ngoại tệ và góp phần phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Trị.