Chú trọng đầu tư cho công nghiệp văn hóa

Xác định tầm quan trọng và thế mạnh của ngành công nghiệp văn hóa, nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền trung, đặc biệt là các địa phương có nhiều thế mạnh về văn hóa, di sản… đã và đang nghiên cứu ban hành các đề án phát triển riêng. Việc đầu tư kinh phí và đưa ra các chính sách đặc thù dành riêng cho lĩnh vực này góp phần tăng nguồn thu ngân sách, trở thành nội lực cho kinh tế vùng phát triển bền vững.
0:00 / 0:00
0:00

Hiện nay, công nghiệp văn hóa được Chính phủ xác định bao gồm 12 lĩnh vực: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh và Du lịch văn hóa.

Đối với các tỉnh khu vực miền trung, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khẳng định: “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể, danh lam thắng cảnh và di sản thiên nhiên, nhất là các di sản văn hóa được UNESCO vinh danh.

Đầu tư và nâng cấp mạng lưới thiết chế văn hóa và thể dục, thể thao. Phát triển thành phố Đà Nẵng và thành phố Huế trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật của vùng; thành phố Vinh trở thành trung tâm văn hóa phía bắc của vùng; thành phố Quy Nhơn trở thành trung tâm văn hóa phía nam của vùng”.

Để hiện thực hóa những nội dung trọng tâm này, các địa phương đều có chiến lược, đề án, chương trình hành động, từng bước khẳng định lợi thế riêng trong việc cùng bắt tay, phối hợp thực hiện mục tiêu chung, đưa ngành công nghiệp văn hóa phát triển.

Năm 2024, UBND thành phố Đà Nẵng sẽ ban hành đề án “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa TP Đà Nẵng đến năm 2030”. Trong đó, Đà Nẵng xác định những nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2030 nhằm phát triển công nghiệp văn hóa gồm: Xây dựng và phát triển một số sản phẩm công nghiệp văn hóa có thế mạnh của Đà Nẵng, đó là du lịch văn hóa, sự kiện và lễ hội, quảng cáo, thiết kế, nghệ thuật truyền thống.

Đến năm 2030, phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại hóa tất cả các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố, ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa quốc tế của khu vực.

Là địa phương có nhiều thế mạnh, tỉnh Thừa Thiên Huế sớm chủ động triển khai các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa. Năm 2021, tỉnh ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 24/5/2021 về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Tỉnh cũng ban hành hai chương trình hành động về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa và về du lịch giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Việc xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước là định hướng quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh đúng hướng và bền vững.

Trong khi đó, tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số: 2852/QĐ-UBND ngày 8/10/2021, về Chương trình phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định các nội dung trọng tâm là xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hóa, con người Quảng Nam hướng đến mục tiêu gìn giữ, lan tỏa giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc gắn với không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; góp phần tích cực xây dựng Quảng Nam phát triển toàn diện, bền vững, trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030.

Bảo đảm nguồn lực tài chính, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, nâng cao hiệu quả đầu tư cho sự nghiệp văn hóa với việc tăng mức đầu tư cho văn hóa lên 2% tổng chi ngân sách địa phương hằng năm. Có cơ chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa. Bố trí và hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các thiết chế văn hóa, di tích, danh thắng. Bảo đảm định mức đất quy hoạch, ưu tiên quỹ đất đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa.

Mới đây, tại Hội nghị toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, trong mục tiêu phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, thành phố Đà Nẵng được xác định vừa là một trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa trọng điểm (cùng với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), vừa là một trong các địa phương được đầu tư xây dựng và phát triển Trung tâm thiết kế sáng tạo.

Thời gian qua, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã có những đầu tư trọng tâm cho công nghiệp văn hóa, tập trung vào lợi thế của thành phố đặc biệt trong lĩnh vực du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn. Nhưng để có thể “gánh vác” được những “trọng trách” này, thành phố Đà Nẵng sẽ phải dành nhiều hơn nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa và công nghiệp văn hóa. Đối với ngành công nghiệp văn hóa, việc đưa ra các quyết sách vào từng lĩnh vực trọng tâm, lợi thế, sẽ góp phần tạo nên bệ phóng vững chắc để các địa phương khai thác, liên kết cùng phát triển.