Nỗ lực “về đích” trường chuẩn quốc gia tại tỉnh biên giới

NDO - Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là chủ trương lớn, mang tính chiến lược của Đảng, Nhà nước ta nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Những năm qua, tỉnh Bình Phước ưu tiên nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng trường học hướng đến trường đạt chuẩn quốc gia, đặc biệt là các huyện vùng sâu, vùng xa và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, công tác xây dựng trường chuẩn vẫn còn nhiều vấn đề trăn trở.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ học của cô và trò trường Tiểu học Lê Lợi, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập.
Giờ học của cô và trò trường Tiểu học Lê Lợi, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập.

Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 70% trường đạt chuẩn quốc gia.

Trong khi đó, thực trạng công tác xây dựng trường đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn: Các trường nằm trong kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025 của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố còn thiếu về cơ sở vật chất, thiếu diện tích đất; nhiều trường chưa đáp ứng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về cơ sở vật chất và phòng bộ môn đối với các cơ sở giáo dục. Số lượng, cơ cấu giáo viên chưa đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông và tổ chức các hoạt động giáo dục thiết yếu.

Nỗ lực “về đích” trường chuẩn quốc gia tại tỉnh biên giới ảnh 1

Trao quà “Tiếp bước em đến trường” tại xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước, đến nay, toàn tỉnh có 149/389 trường đạt chuẩn, tăng 9 trường so với cuối năm học 2022-2023, tuy nhiên mới chỉ đạt 38,3%. Năm 2023-2024, toàn tỉnh phấn đấu có ít nhất 176/389 trường công lập đạt chuẩn, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn lên 45,2%.

Năm học 2023-2024, toàn tỉnh Bình Phước cũng còn thiếu 1.620 giáo viên, trong đó mầm non 303 biên chế, tiểu học 545 biên chế, trung học cơ sở 588 biên chế và trung học phổ thông 184 biên chế. Ngoài thiếu theo tỷ lệ giáo viên/lớp thì còn thiếu giáo viên dạy các môn chuyên, đặc biệt là ngoại ngữ và tin học. Không chỉ thiếu giáo viên mà hầu hết các trường trên địa bàn đều không đủ số nhân viên theo quy định. Do đó, phải bố trí giáo viên hoặc nhân viên không có chuyên môn phù hợp kiêm nhiệm thêm công tác thiết bị, thư viện, văn thư, y tế.

Tại các huyện miền núi, biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, như: Lộc Ninh, Bù Đốp, đặc biệt là huyện Bù Gia Mập, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia khó khăn lại thêm khó khăn.

Nỗ lực “về đích” trường chuẩn quốc gia tại tỉnh biên giới ảnh 2

Nhiều trường học trên địa bàn huyện Bù Gia Mập còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất.

So với mặt bằng chung toàn tỉnh, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên toàn huyện Bù Gia Mập mới chỉ có 5/33 trường đạt chuẩn, chiếm 15,15%, thấp nhất toàn tỉnh. Theo chỉ tiêu tỉnh và Nghị quyết Hội đồng nhân dân huyện đề ra, đến cuối năm 2025, Bù Gia Mập có 50% trường học công lập đạt chuẩn. Đây là bài toán khó, bởi ngoài nguồn kinh phí cho đầu tư xây dựng các tiêu chí “cứng”, nhiều trường trên địa bàn huyện vướng các tiêu chí cần nguồn đầu tư xã hội hóa.

Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bù Gia Mập Võ Thị Tâm cho biết, chỉ tiêu tỉnh giao cũng như huyện đề ra đến cuối năm 2025 có 50% trường đạt chuẩn quốc gia, con số này thấp nhất so với các huyện, thị xã khác trong tỉnh. Tuy nhiên, do là huyện vùng sâu, vùng xa nên nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của huyện chưa kịp thời và nguồn vận động xã hội hóa không thực hiện được nên tỷ lệ trường đạt chuẩn đạt thấp.

Các trường: Tiểu học Đa Kia B (xã Đa Kia), Trung học cơ sở Bình Thắng (xã Bình Thắng) và Mầm non Đắk Ơ (xã Đắk Ơ) là 3 trường trên địa bàn huyện Bù Gia Mập được đưa vào lộ trình xây dựng và công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2017-2022. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được công nhận đạt chuẩn. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu các công trình, hạng mục và trang thiết bị dạy học theo quy định.

Trường Trung học cơ sở Bình Thắng (xã Bình Thắng) được biết đến là ngôi trường vùng sâu, vùng xa nhưng chất lượng giáo dục mũi nhọn, nhất là số lượng học sinh thi đậu vào trường chuyên luôn dẫn đầu huyện Bù Gia Mập và trong top đầu của tỉnh. Hiện trường có 3 dãy lầu và 1 dãy cấp 4 với 28 phòng các loại, đáp ứng nhu cầu dạy học 2 buổi/ngày cho 603 học sinh/19 lớp. Tuy nhiên, đến nay trường vẫn chưa được công nhận đạt chuẩn theo lộ trình đề ra do thiếu quỹ đất để xây dựng nhà tập đa năng.

Bà Võ Thị Tâm cho biết thêm, để xây dựng trường đạt chuẩn theo lộ trình cần có các giải pháp căn cơ. Trong đó ngành giáo dục phải làm tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương và các cấp, ngành bổ sung kinh phí cho các trường trong lộ trình xây dựng trường chuẩn. Bên cạnh đó, các trường phải chủ động, linh hoạt tuyên truyền, vận động các nguồn ngoài ngân sách để xây dựng trường chuẩn.

Không chỉ huyện Bù Gia Mập mà theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước, nhiều trường trong kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025 cũng gặp những khó khăn, nhất là các huyện miền núi, khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nhiều trường thiếu cơ sở vật chất cũng như diện tích đất chưa đáp ứng theo quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất, phòng học bộ môn.

Mặc còn gặp không ít khó khăn, nhưng xác định xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là “chìa khóa vàng” để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).

Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh nhận định, giáo dục là một trong những nhiệm vụ nằm trong thứ tự tỉnh ưu tiên. Tỉnh cũng bố trí nguồn vốn theo lộ trình từng năm phù hợp, trong đó ưu tiên bố trí nhiều cho năm 2023 nhằm tạo sự phát triển đột phá trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh.