Về nơi chi bộ cộng sản đầu tiên thành lập
Về thăm Phú Riềng Đỏ năm xưa, sau gần một thế kỷ đi qua, mảnh đất ngày ấy nay bạt ngàn cao-su, đóng góp "vàng trắng" xây dựng và kiến tạo quê hương Bình Phước với bước đổi thay rõ rệt.
Cách đây gần 94 năm, đêm 28 rạng sáng 29/10/1929, tại khu rừng ở Làng 3, thuộc đồn điền Thuận Lợi (nay thuộc xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, đây là chi bộ Cộng sản đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng, vào ngày 3/2/1930, hơn 5.000 phu cao-su đã nổi dậy làm chủ đồn điền cao-su Phú Riềng trong hơn một tuần lễ.
Bạt ngàn cao-su trên đất Bình Phước. |
Sự kiện này gây rúng động Nam Kỳ, vang tới tận Paris (Pháp) khẳng định vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng đối với đội ngũ công nhân, trong đó có công nhân cao-su Phú Riềng. Từ đó, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, nhất là phong trào đấu tranh của công nhân đồn điền cao-su, lần lượt nổi dậy đấu tranh trực diện với chủ đồn điền đòi quyền dân sinh, dân chủ và buộc các chủ đồn điền phải giải quyết những yêu sách chính đáng của công nhân.
Sự kiện này gây rúng động Nam Kỳ, vang tới tận Paris (Pháp) khẳng định vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng đối với đội ngũ công nhân, trong đó có công nhân cao-su Phú Riềng.
Từ chiếc nôi "Phú Riềng Đỏ" đã ươm mầm, giáo dục và rèn luyện nên biết bao tấm gương hy sinh kiên cường, đấu tranh bất khuất của các thế hệ trên mảnh đất Bình Phước, làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của dân tộc.
Đặc biệt, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân tỉnh Bình Phước đã lập nên những chiến công hiển hách, tô thắm thêm trang sử vàng của vùng quê "Miền Đông gian lao mà anh dũng".
Đó là phong trào giã gạo nuôi quân của đồng bào Xtiêng trong những năm đánh Mỹ được cố nhạc sĩ Xuân Hồng viết thành bài hát "Tiếng chày trên sóc Bom Bo". Đây được xem là tuyên ngôn về lòng yêu nước của người Xtiêng trên mảnh đất Bình Phước.
Năm 1964, đầu năm 1965, phong trào đấu tranh chống phá ấp chiến lược của nhân dân ta ở miền nam nói chung và Bình Phước nói riêng diễn ra quyết liệt. Hàng chục người dân Xtiêng đã lặng lẽ băng rừng, vượt suối đi theo cách mạng vào Căn cứ Nửa Lon bên dòng suối Đắk Nhau và Đắk Liêng (nay thuộc địa phận xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng) để làm rẫy lấy gạo nuôi quân.
Dũng sĩ diệt Mỹ, già làng Điểu Lên
Đầu năm 1972, Bình Phước hoàn toàn giải phóng, trở thành căn cứ địa cách mạng rộng lớn, nơi tập kết nhân lực, vật lực cho chiến trường miền nam. Đây cũng là điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh, đường ống xăng dầu từ bắc chạy vào nam và đặc biệt được Trung ương đặt Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền nam Việt Nam - Căn cứ Tà Thiết tại xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh ngày nay. Từ Bình Phước, Trung ương đã phân bổ nhân lực, vật lực thực hiện thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.
Vùng đất trước đây Pháp thành lập Đồn điền cao-su Phú Riềng hiện nằm trọn trong Nông trường cao-su Tân Thành (Công ty cổ phần Cao-su Đồng Phú). Nơi thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng nay thuộc ấp Làng 3, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tại đây chính quyền và ngành cao-su đã xây dựng Tượng đài Phú Riềng Đỏ, được công nhận di tích lịch sử-văn hóa quốc gia năm 1999.
Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Chi bộ Phú Riềng, công trình được trùng tu mở rộng trên diện tích 0,8ha, tổng kinh phí xây dựng 5,5 tỷ đồng, do Công đoàn Cao-su Việt Nam vận động cán bộ, công nhân viên, người lao động đóng góp.
Cách Tượng đài Phú Riềng Đỏ khoảng 700m là nơi diễn ra lễ kết nạp đảng viên đầu tiên của Chi bộ Phú Riềng, cũng được dựng bia ghi dấu. Khu mộ phu Đồn điền Phú Riềng cách tượng đài không xa cũng được xây dựng hàng rào bảo vệ và hương khói thường xuyên.
Tượng đài Phú Riềng Đỏ cùng với Căn cứ Bộ Chỉ huy Miền Tà Thiết (Lộc Ninh), sóc Bom Bo (Bù Đăng), Mộ tập thể 3.000 người (Bình Long)... là những "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống đấu tranh vệ quốc của quân, dân cả nước nói chung và Bình Phước nói riêng qua các thời kỳ cho lớp lớp thế hệ trẻ ngày nay.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước, Lê Thị Hồng Phấn cho biết: Tinh thần "Phú Riềng Đỏ" thể hiện truyền thống yêu nước, đấu tranh bất khuất của dân tộc và khẳng định niềm tự hào của thế hệ trẻ hôm nay đối với các thế hệ cha anh đi trước.
Chúng tôi luôn giáo dục thế hệ trẻ cần nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình với quê hương, đất nước, đó là tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, xung kích đi đầu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi người trẻ cần xác định rõ mục tiêu, lý tưởng sống, trau dồi đạo đức cách mạng với tinh thần khiêm tốn, giản dị, luôn cầu thị cố gắng tiến bộ; luôn dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn phấn đấu trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước Lê Thị Hồng Phấn
Lớn mạnh cùng Phú Riềng Đỏ
Sau hơn một thế kỷ, kể từ khi cây cao-su được trồng ở Việt Nam, Bình Phước là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích cây cao-su với hơn 244.000 ha và trở thành cây công nghiệp mũi nhọn của tỉnh. Các doanh nghiệp cao-su Nhà nước ở Bình Phước giải quyết việc làm cho khoảng 25 nghìn lao động; đóng góp nguồn thu ngân sách lớn cho địa phương.
Từ sáu đảng viên đầu tiên của Chi bộ Phú Riềng Đỏ, đến nay ngành cao-su Bình Phước đã có hơn 3.000 đảng viên. Toàn Đảng bộ tỉnh Bình Phước có gần 38.757 đảng viên với 21 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 731 tổ chức cơ sở đảng và 2.392 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở.
Xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú là đơn vị hành chính đóng chân trên vùng đất năm xưa Pháp lập đồn điền. Dấu tích lịch sử của đồn điền thời Pháp thuộc nay còn lại một vài cây cao-su nằm trong trụ sở Công ty cổ phần Cao-su Đồng Phú; một số cây me tây có đường kính vài mét nằm dọc đường vào khu tượng đài Phú Riềng Đỏ.
Đến nay, Đảng bộ xã Thuận Lợi có 13 chi bộ trực thuộc với 221 đảng viên, trong đó có 39 đảng viên được tặng Huy hiệu 30 năm tuổi đảng trở lên.
Một góc đô thị huyện Phú Riềng hôm nay. |
Năm 2020, xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới và hiện đang xây dựng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao; có hai khu dân cư được công nhận khu dân cư kiểu mẫu.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thuận Lợi Nguyễn Văn Thắm cho biết: Xã có chín dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số là 610 hộ với 2.618 khẩu. Nhân dân trong xã đoàn kết tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền địa phương, yên tâm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh.
Phát huy tinh thần Phú Riềng Đỏ, Công ty cổ phần Cao-su Đồng Phú (đơn vị đóng chân trên địa bàn Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập) không ngừng lớn mạnh, đóng góp quan trọng cho Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam.
Công ty có năm nông trường, hai nhà máy, một bệnh viện, một chi nhánh chế biến gỗ và bốn công ty con; tổng số cán bộ, công nhân lao động 3.500 người; đơn vị đang quản lý tổng diện tích 16.335ha. Đảng ủy công ty hiện có 12 chi bộ, đảng bộ cơ sở trực thuộc, 29 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, quản lý 391 đảng viên.
Công nhân ngành cao-su khai thác mủ. |
Đảng ủy công ty đã lãnh đạo, chỉ đạo quan tâm lĩnh vực việc làm và ổn định đời sống cho cán bộ, công nhân lao động công ty; bảo đảm hiệu quả về kinh tế và quy mô phát triển, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, làm tròn nghĩa vụ nộp ngân sách đối với Nhà nước, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.
Đồng chí Hồ Cường, Bí thư Đảng ủy Công ty cổ phần Cao-su Đồng Phú cho biết: Giai đoạn 2020-2022, Đảng bộ Công ty cổ phần Cao-su Đồng Phú đã lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc thực hiện hoàn thành 14/14 tiêu chí. Tổng doanh thu ba năm đạt 2.063 tỷ đồng; nộp ngân sách đạt 316,2 tỷ đồng; thu nhập bình quân của người lao động đạt 10,2 triệu đồng/người/tháng.
Để phát huy tinh thần Phú Riềng Đỏ trong lao động sản xuất, các cấp ủy đảng đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tăng cường giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống, nâng cao tính tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ từ lãnh đạo công ty đến cơ sở có đủ năng lực, phẩm chất và bản lĩnh chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trước sự phát triển của công ty.
Trong tiến trình hội nhập và phát triển sôi động, trên mảnh đất Phú Riềng Đỏ năm xưa nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương đang nỗ lực không ngừng, chung sức đồng lòng quyết tâm xây dựng quê hương cách mạng khang trang, vững mạnh về chính trị, giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa-xã hội, mạnh về quốc phòng, an ninh, đời sống người dân không ngừng được nâng cao.
45 năm mang tên Phú Riềng
Cũng trên mảnh đất Phú Riềng lịch sử, ngày 6/9/1978, Công ty cao-su Phú Riềng (xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng) được thành lập để thực hiện Hiệp định “Hợp tác sản xuất và chế biến cao-su thiên nhiên với quy mô 50.000 ha” giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết. Đây là công trình trọng điểm của Nhà nước, có ý nghĩa hết sức quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và quan hệ quốc tế.
Công trình có quy mô lớn, yêu cầu nhiệm vụ lại khẩn trương, nên cùng một lúc công ty vừa phải hình thành bộ máy tổ chức vừa triển khai sản xuất, vừa bổ sung nguồn nhân lực. Địa bàn hoạt động rộng, bom mìn, chất độc hóa học do chiến tranh để lại nhiều, bệnh sốt rét ác tính hoành hành ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người lao động và nhân dân trong vùng.
Công ty cao-su Phú Riềng kỷ niệm 45 năm ngày thành lập. |
Sau 45 năm xây dựng và phát triển, đến nay công ty đã trở thành một trong những doanh nghiệp lớn của Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam và tỉnh Bình Phước. Công ty luôn nỗ lực phấn đấu không ngừng để hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế-xã hội mà Đảng và Nhà nước giao.
Trong những năm qua, Cao-su Phú Riềng luôn là đơn vị thuộc top đầu của tập đoàn về hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước, chăm lo nâng cao thu nhập và đời sống cho người lao động.
Sản lượng cao-su chế biến và tiêu thụ hằng năm của công ty đạt từ 33.000-36.000 tấn. Trong đó, cao-su tự khai thác từ 24.000-28.000 tấn, cao-su thu mua từ 8.000-12.000 tấn. Chất lượng sản phẩm tốt, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng, là thương hiệu mạnh trong và ngoài nước. Doanh thu hằng năm đạt từ hơn 1.300-1.800 tỷ đồng; lợi nhuận đạt từ hơn 300-600 tỷ đồng; nộp ngân sách hằng năm từ hơn 130-200 tỷ đồng.
Hiện công ty có 17 đơn vị trực thuộc với hơn 5.000 cán bộ, công nhân viên, người lao động; quản lý hơn 19.867ha đất, trong đó hơn 19.079ha cao-su, có 10.990ha cao-su kinh doanh thuộc địa bàn 5 huyện, thị xã của tỉnh là: Phú Riềng, Bù Đăng, Bù Gia Mập, Đồng Phú, Phước Long và huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.
Đời sống người lao động trong công ty ngày càng được cải thiện, là đơn vị có mức thu nhập bình quân hằng năm trong top cao của tập đoàn với thu nhập bình quân (năm 2022) đạt 12 triệu đồng/người/tháng.
Đảng bộ công ty hiện có 16 đảng bộ và 3 chi bộ cơ sở, 156 chi bộ trực thuộc với tổng 1.050 đảng viên. Đảng bộ công ty luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Công tác đền ơn đáp nghĩa, hoạt động xã hội từ thiện, trao nhà tình nghĩa, tình thương, mái ấm công đoàn, tuyên dương học sinh, sinh viên xuất sắc, chăm lo thiếu niên, nhi đồng, cùng địa phương thực hiện công tác giảm nghèo..., với tổng chi phí cho các hoạt động hơn 10 tỷ đồng/năm.
Công ty Cao-su Phú Riềng đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Ba, 5 Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều phần thưởng cao qúy khác
Truyền thống 45 năm không chỉ có ý nghĩa lịch sử, lòng tự hào với truyền thống Phú Riềng Đỏ anh hùng mà còn như lời nhắc nhở mỗi cán bộ, nhân viên, người lao động trong toàn công ty và các thế hệ trẻ hôm nay, phải khắc cốt ghi tâm về sự trân quý những giá trị truyền thống của công ty, có nghĩa vụ và trách nhiệm giữ gìn, phát huy những thành quả đạt được để tiếp tục xây dựng công ty ngày càng phát triển mạnh mẽ, phồn thịnh.
Lê Tiến Vượng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao-su Phú Riềng