Nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng thuốc

Công tác đấu thầu, mua sắm thuốc Tây y tại một số đơn vị còn khó khăn; danh mục thuốc tại các trạm y tế chưa đáp ứng nhu cầu của người dân; số lượng nhà thuốc tư nhân phát triển quá nhanh, các hoạt động kinh doanh thuốc trên mạng xã hội chưa thể kiểm soát..., là những vấn đề nổi cộm mà ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh cần sớm có giải pháp chấn chỉnh, giải quyết.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân mua thuốc tại một nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng, Quận 1.
Người dân mua thuốc tại một nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng, Quận 1.

Ðể đáp ứng nhu cầu về sử dụng thuốc của người dân, thành phố có 43 cơ sở sản xuất thuốc, sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế; 1.512 cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, cơ sở bán buôn dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu; 8.412 nhà thuốc, kệ thuốc; 357 cơ sở bán lẻ thuốc Ðông y, thuốc từ dược liệu; 430 khoa dược bệnh viện và trạm y tế, được phân bố chủ yếu ở địa bàn Quận 5, Quận 11, Quận 6, Huyện Bình Chánh và Huyện Hóc Môn.

Theo đó, các bệnh viện đã có các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn đấu thầu, mua sắm, quản lý và sử dụng thuốc. Việc đấu thầu rộng rãi qua mạng bảo đảm tính minh bạch, công khai. Tuy nhiên, theo nhiều lãnh đạo bệnh viện tại thành phố, giá thuốc mua vào, bán ra cho bệnh nhân phải cùng là một giá, không có sự chênh lệch hay trợ giá. Công vận chuyển, hư hao, bảo quản... đều do các bệnh viện phụ trách.

Mặt khác, về công tác đấu thầu, hằng năm mỗi bệnh viện có thể phải thực hiện hàng trăm gói thầu, nhưng lại không có nhân lực chuyên về lĩnh vực đấu thầu thuốc, vật tư y tế. Nếu không có nghiệp vụ, kinh nghiệm đấu thầu sẽ rất dễ mắc sai lầm. Ngoài ra, chế độ bồi dưỡng độc hại cho nhân viên y tế chuyên ngành dược cũng là một khó khăn cho các bệnh viện hiện nay...

Thực tế cũng cho thấy, công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh, kinh doanh dược trên địa bàn thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa theo kịp với thực tế và nhu cầu của người dân thành phố. Trong đó, việc xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu đối với các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn chưa thống nhất, chưa có sự kết nối giữa sở, ngành và địa phương; công tác hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất thuốc đông y chưa được quan tâm đầy đủ; việc xây dựng và phát triển các tuyến phố Ðông y gắn với phát triển du lịch gặp nhiều khó khăn.

Công tác quản lý đơn thuốc bán lẻ tại hệ thống các nhà thuốc, cơ sở kinh doanh thuốc nhằm theo dõi việc sử dụng thuốc của người dân chưa hiệu quả. Công tác đấu thầu, mua sắm thuốc tại một số đơn vị còn khó khăn; danh mục thuốc tại các trạm y tế chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Việc quảng cáo thực phẩm chức năng trên các trang mạng xã hội hiện nay còn tràn lan, sai sự thật; thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ còn lưu hành trên thị trường. Nhiều cơ sở kinh doanh dược bán thuốc, dược liệu không có hóa đơn, chứng từ, không có hạn sử dụng.

Ðặc biệt, người bán thuốc kiêm luôn “khám bệnh” diễn ra khá phổ biến. Ðây là điều cực kỳ nguy hiểm, bởi bất cứ thuốc điều trị nào cũng có tác dụng phụ, kể cả thuốc không cần kê đơn. Việc mua, bán, sử dụng thuốc bừa bãi cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng kháng kháng sinh nghiêm trọng hiện nay trong cộng đồng.

Thuốc điều trị người bệnh là hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, cho nên ngành y tế thành phố cần nhanh chóng vào cuộc bảo vệ sức khỏe người dân; tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả Ðề án phát triển công nghiệp dược Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, địa phương khắc phục hiệu quả những hạn chế, vướng mắc trong quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh, kinh doanh dược trên địa bàn thành phố.