Thời gian gần đầy, thuốc lá điện tử đang tìm cách “xâm nhập” vào các trường học bằng cách giả dạng son môi, USB, bút... với nhiều hương vị như: vani, nước hoa, hoa quả, kẹo... để tăng sức hấp dẫn học sinh. Theo Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tại Việt Nam tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi, từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Gia tăng trẻ em sử dụng thuốc lá, đặc biệt thuốc lá điện tử sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về mặt sức khỏe cho thế hệ trẻ.
Sử dụng thuốc lá điện tử gây hậu quả khó lường. Ngày 22/4, một nam sinh lớp 7 Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng co giật, lơ mơ sau khi hút thuốc lá điện tử (loại hút tinh dầu). Bệnh nhi được rửa dạ dày, uống than hoạt tính, truyền dịch. Sau vài ngày chữa trị, nam sinh đã hồi phục sức khỏe. Vụ việc này khiến nhiều phụ huynh hoang mang, lo ngại thuốc lá điện tử “tấn công” con trẻ khi còn ngồi ghế nhà trường.
Mặc dù các cơ quan chức năng tìm cách siết chặt quản lý thuốc lá điện tử, nhưng sản phẩm vẫn đang được bày bán tràn lan trên thị trường. Các sản phẩm này được quảng cáo, giới thiệu rất nhiều trên các nền tảng xã hội, mua sắm trực tuyến và thương mại điện tử. Khách hàng dễ dàng liên hệ mua bán trên các trang website: Thuocladientugiare.com, Vapechinhhang.com.co, Saigon Retro Vape, Lầy Vape...
Đáng quan ngại, các sản phẩm thuốc lá điện tử được quảng cáo công khai dưới dạng video đầy rẫy trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, TikTok, Zalo, Instagram. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có mối liên quan rõ ràng giữa việc gia tăng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá trong giới trẻ với việc tiếp cận giới trẻ thông qua quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá, đặc biệt trên các nền tảng kỹ thuật số.
Trong những năm qua, thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá. Trước tình hình tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng gia tăng nhanh trong cộng đồng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 13/5/2024 về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý hoạt động vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điện tử trên địa bàn. Trong năm tháng đầu năm 2024, các Đội Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện, kiểm tra, xử lý 19 vụ vi phạm về thuốc lá điện tử, tạm giữ hơn 15.500 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm, gồm: thuốc lá điện tử, tinh dầu và phụ kiện với tổng giá trị hơn 5,2 tỷ đồng và đã xử phạt với số tiền là 347 triệu đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử nhập lậu, các bộ, ngành và địa phương cần kịp thời có báo cáo tổng hợp về những tác hại của thuốc lá điện tử, nhất là đối với giới trẻ để có đủ căn cứ trình ban hành Nghị quyết về việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá mới. Trước mắt, các cơ quan chức năng, nhà trường cùng với các gia đình cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến thanh, thiếu niên, học sinh về những tác hại của thuốc lá điện tử. Bên cạnh đó, nhà trường có biện pháp giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp học sinh sử dụng thuốc lá điện tử trong học đường để các em có ý thức xa rời sản phẩm độc hại này.