Hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững

Theo thống kê, diện tích đất nông nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh liên tục giảm hằng năm. Giai đoạn 2010-2015, mỗi năm thành phố giảm 700 ha đất nông nghiệp, giai đoạn 2015-2020 mỗi năm giảm thêm 1.000 ha. Tuy nhiên, giá trị sản xuất trên mỗi ha đất vẫn tăng hằng năm.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân huyện Củ Chi ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau.
Nông dân huyện Củ Chi ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau.

Cụ thể, năm 2015, giá trị sản xuất trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 375 triệu đồng/ha/năm. Tính chung cả giai đoạn 2015-2023 giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha đạt khoảng 500 triệu đồng/ha. Trong bối cảnh đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp thì phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng khoa học-công nghệ là xu hướng tất yếu và cấp thiết.

Những năm qua, ngành nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững, tập trung vào các ngành nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, kéo theo năng suất lao động tăng bình quân 21%/năm. Mặc dù chiếm tỷ trọng không cao trong toàn bộ nền kinh tế của thành phố, nhưng ngành nông nghiệp vẫn mang lại những kết quả tốt, thu nhập của nông dân tăng đều qua từng năm nhờ việc ứng dụng hiệu quả các nghiên cứu, kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đầu tiên cả nước xây dựng Khu Nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình đa chức năng, gắn nghiên cứu, trình diễn, chuyển giao công nghệ với việc tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái và thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào Khu Nông nghiệp công nghệ cao. Kết quả điều tra sơ bộ gần đây cho thấy, hầu hết các hộ nông dân và doanh nghiệp trong phạm vi điều tra đã áp dụng một số biện pháp kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất.

Tuy đạt được thành quả đáng khích lệ, nhưng việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp của thành phố chưa tương xứng tiềm năng, chưa có sự gắn kết giữa nhà khoa học với đơn vị sản xuất. Quỹ đất phát triển nông nghiệp công nghệ cao ngày càng bị thu hẹp, thiếu nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đột phá phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị. Chuỗi liên kết giữa các nhà bán lẻ của thành phố với các chuỗi cung ứng chưa tốt; chưa hình thành được đầy đủ các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị đủ lớn và đủ mạnh cho các mặt hàng, sản phẩm chủ lực của nông nghiệp thành phố. Ngoài ra, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã tác động đến nông nghiệp ngày càng nghiêm trọng và phức tạp; sự thay đổi mực nước ngầm, các vùng thấp cửa sông bị ảnh hưởng mặn, phèn, ngập úng ảnh hưởng rất lớn đến các khu vực sản xuất nông nghiệp của thành phố...

Thành phố phấn đấu đến năm 2030 đưa giá trị gia tăng trên một đơn vị sản xuất đất nông nghiệp đạt từ 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm, đồng thời xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp đô thị theo hướng hiện đại. Ðể thực hiện được điều này, cần có chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố để thu hút, đầu tư hiệu quả nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích phát triển hợp tác xã, mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi.

Song song đó, thành phố cần đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; khuyến khích các hộ nông dân, trang trại mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị.