Linh động trong sử dụng dạ cầu

Theo thống kê của cơ quan chức năng, toàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 200 cây cầu. Trong đó, không ít cây cầu nằm trong khu vực nội thành, nhất là các cầu cạn, dạ cầu (gầm cầu) có diện tích và độ tĩnh không thích hợp để có thể làm nơi vui chơi giải trí, tập luyện thể dục-thể thao, bãi đậu xe (xe máy hoặc ô-tô)…
0:00 / 0:00
0:00
Dạ cầu vượt Phạm Văn Đồng (thành phố Thủ Đức) được trồng cây xanh, cỏ...
Dạ cầu vượt Phạm Văn Đồng (thành phố Thủ Đức) được trồng cây xanh, cỏ...

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, nhiều dạ cầu đã bị bỏ trống hoặc biến thành nơi buôn bán hàng rong, nước giải khát, nơi tập kết rác thải, nhà kho; nơi vệ sinh, nơi nghỉ ngơi tạm (của người chạy xe ôm, người vô gia cư…)… Chúng ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh nói trên ở những cây cầu như: Bình Lợi (nối quận Bình Thạnh với thành phố Thủ Đức), Kinh-Thanh Đa (quận Bình Thạnh), Rạch Chiếc (thành phố Thủ Đức), Phú Mỹ (nối thành phố Thủ Đức với Quận 7), Chữ Y (nối Quận 5 với Quận 8), Nguyễn Văn Cừ (nối Quận 5 với Quận 4, Quận 8), Ông Lãnh (nối Quận 1 với Quận 4), Ba Son (nối Quận 1 với thành phố Thủ Đức)… Tình trạng này đã gây mất mỹ quan đô thị, nguy cơ mất an ninh trật tự, hỏa hoạn…

Theo quy định pháp luật hiện hành, dạ cầu đường bộ không được phép trở thành nơi ở, bãi đậu xe và các dịch vụ kinh doanh khác. Trong khi đó, thực tế cho thấy diện tích đất dành cho giao thông tĩnh của thành phố rất ít. Thành phố hiện rất thiếu bãi đậu xe, nhu cầu đậu xe hoặc gửi xe ngày càng tăng cao, nhất là ở khu vực nội thành. Cùng với đó, khu vực nội thành cũng còn thiếu khá nhiều công viên cây xanh, điểm vui chơi-giải trí lành mạnh, nơi tập luyện thể dục-thể thao.

Ở góc nhìn khác, theo các chuyên gia, khá nhiều đô thị lớn ở nước ngoài đã tận dụng dạ cầu để làm nhiều việc, hoạt động nhằm tạo điểm nhấn về cảnh quan, kiến trúc, tăng thêm vẻ mỹ quan đô thị. Chẳng hạn, tùy theo chiều cao và nhu cầu thực tế trong khu vực mà dạ cầu có thể trở thành vườn hoa, vườn cây xanh, nơi triển lãm nghệ thuật, bãi đậu xe, nơi vui chơi giải trí, nơi tập luyện thể dục-thể thao… Thay vì để trống, việc tận dụng dạ cầu để làm những công trình, hoạt động công cộng sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng, lợi ích xã hội hoặc kinh tế, hoặc tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Hơn nữa, việc cải tạo, sử dụng dạ cầu sẽ không tốn kém nhiều nguồn lực, nhất là nguồn tài chính, do các yếu tố cơ bản (mặt bằng, hạ tầng chung quanh….) đã có sẵn và gần như không cần đầu tư thêm.

Rõ ràng, với thực tế thành phố có nhiều cầu đường bộ, nhất là cầu cạn, nhưng phần lớn dạ cầu chỉ để trống hoặc trồng cây, hoa thì rất lãng phí. Do vậy, việc tận dụng các dạ cầu hợp lý, đúng cách… sẽ góp phần giảm bớt áp lực cho cơ sở hạ tầng, đáp ứng đời sống của người dân tốt hơn. Trong bối cảnh hệ thống hạ tầng còn chưa hoàn chỉnh và gặp không ít khó khăn trong quá trình phát triển, việc linh động cho phép sử dụng dạ cầu để phục vụ các nhu cầu, hoạt động công cộng là điều cần xem xét thấu đáo, hợp tình và hợp lý.

Việc sử dụng dạ cầu như thế nào nên giao cho chính quyền cấp tỉnh quyết định đối với những cây cầu thuộc thẩm quyền quản lý, khai thác và bảo trì của địa phương. Vấn đề và yêu cầu còn lại là việc sử dụng, khai thác dạ cầu phải không gây ảnh hưởng xấu đến an toàn, hoạt động, kết cấu của cây cầu và các công trình liên quan; bảo đảm tuân thủ nghiêm và đạt tiêu chuẩn về phòng chống cháy nổ và trật tự, an toàn giao thông, đồng thời, việc bố trí và sử dụng không gian dạ cầu phải phù hợp nhu cầu của người dân địa phương, bảo đảm yếu tố thẩm mỹ đối với cảnh quan chung quanh…